Cảnh báo giải ngân chậm: Lãng phí gấp đôi, gấp ba

Chuyên gia cho rằng trong bối cảnh nguồn ngân sách eo hẹp, muốn có vốn cho một dự án phải huy động từ nhiều nguồn và hi sinh cơ hội của những dự án khác, nhưng nhiều dự án đầu tư công đã được cấp vốn lại nằm “đắp chiếu” gây nên lãng phí gấp đôi cho nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng đã có buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương được xem là những đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hết quan tâm vấn đề này và qua Tổ công tác, Thủ tướng phê bình các Bộ trưởng, Chủ tịch các tỉnh giải ngân chậm. Tinh thần nhất quán là nếu tới tháng 10 này, các đơn vị không giải ngân kịp thì Thủ tướng bắt buộc phải điều chuyển vốn.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những hậu quả của việc giải ngân chậm, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng trong tình hình hiện nay, nguồn vốn đầu tư công phần nhiều không phải vốn tự có mà phải đi huy động từ nhiều nguồn, trong đó có tiền vay.

Do đó, nếu chậm giải ngân ngày nào lãi suất sẽ tăng lên ngày đó, gây thiệt hại về kinh tế, lãng phí của cải xã hội. “Đây là hậu quả theo tôi là trực tiếp và dễ nhận ra nhất”, chuyên gia kinh tế. Ngô Trí Long nhận định.

Đối với kinh tế vĩ mô, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, chậm giải ngân vốn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế; làm “dày” thêm gánh nặng nợ công; gây lãng phí, thất thoát nguồn lực của nền kinh tế. Để bù đắp bội chi, Chính phủ lại phải sử dụng các công cụ khác như vay tiền trong nước, gây áp lực tăng giá, dẫn tới lạm phát và nhiều vấn đề khác.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, theo quan điểm của bà, các dự án đầu tư công đã được phê duyệt và dành vốn thực hiện phải là những dự án có tầm quan trọng, đóng góp cho ngành, lĩnh vực hoặc địa phương được đầu tư nói riêng và đóng góp vào nền kinh tế chung.

“Giải ngân chậm nghĩa là công việc này chưa được hoàn thành theo đúng tiến độ, và hệ quả là làm chậm lại sự phát triển của ngành, lĩnh vực hoặc của địa phương đó. Theo tôi, nguyên nhân hoàn toàn là do chủ quan, chứ không phải do các yếu tố khách quan”, chuyên gia Phạm Chi Lan nêu quan điểm.

Bà  cũng cho rằng khi các dự án này chưa hoàn thành sẽ không đóng góp được vào tăng trưởng, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế trong khi chúng ta đang rất cần và đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nhiều mặt để đạt được các chỉ số phát triển.

Vốn dự án không phân bổ được trong khi tiền đầu tư hầu hết được huy động từ nhiều nguồn, hoặc dựa trên tiền thuế của người dân đóng góp.

Theo bà Phạm Chi Lan, “đó là sự lãng phí rất lớn, cũng là một vấn đề khá nhức nhối trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Vẫn còn rất nhiều dự án đang chờ vốn, đằng này có những dự án sẵn vốn mà không thực hiện được, tôi cho rằng sự lãng phí được nhân lên gấp đôi”, vì vừa lãng phí cho chính dự án đó, vừa làm mất cơ hội của những dự án khác. 

Hạn chế trong phối hợp thực hiện?

Việc đình trệ trong giải ngân vốn đầu tư công còn dẫn tới nghi ngờ về năng lực của các cơ quan liên quan. Ở đây, trách nhiệm có thể thuộc về nơi đề xuất dự án, nếu dự án thực sự quan trọng thì các cơ quan này đã phải đẩy nhanh tiến độ để làm đúng thời hạn. Nhưng các đơn vị này do một lý do nào đó, có thể từ chính năng lực hạn chế đã lựa chọn và đề xuất những dự án không thật cần thiết nên họ không tập trung hết sức để làm. “Vì nếu cấp thiết thì đã không có lý do gì để trì hoãn”, bà Phạm Chi Lan nói.

Trước những ý kiến giải trình của các cơ quan cho rằng việc “nghẽn” vốn do quy định, thủ tục quá chặt chẽ, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư chỉ nội trong các cơ quan Nhà nước phối hợp thực hiện với nhau, cơ quan này có thể chậm do lỗi của cơ quan khác.

Thế nhưng theo bà Chi Lan, đây là công việc nội bộ, không có yếu tố tư nhân hay nước ngoài ảnh hưởng, không thể đổ tại các thủ tục giải ngân phức tạp của nhà cấp vốn ODA mà không làm được.

“Việc giải ngân này theo tôi chỉ qua lại khoảng từ 2-3 bộ với nhau, chứ không phải tất cả hệ thống, tại sao không thể ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề? Vì vậy, không nên đổ lỗi cho khách quan”, vị chuyên gia khẳng định. Cần các giải pháp mạnh mẽ để tiền thuế của người dân được sử dụng hiệu quả, thực chất hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, nguyên nhân chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư trước hết thuộc về lãnh đạo các cơ quan, trong chỉ đạo không quyết liệt, không cụ thể. Đặc biệt, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ rõ, có những vướng mắc trong việc phối hợp giữa các cơ quan, như giữa Bộ Xây dựng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong dự án đầu tư Học viện Chính sách Phát triển.

Với những vướng mắc trong Luật Đầu tư công, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các bất cập, vướng mắc để đề xuất điều chỉnh.

Theo Tổ công tác của Thủ tướng, bên cạnh việc gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng GDP, việc giải ngân chậm sẽ khiến Chính phủ phải gánh lãi vay của dân, có thể gây áp lực lên lạm phát và toàn bộ nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc chậm giải ngân sẽ khiến lãng phí 3 lần. Một là lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng. Hai là tiền để đấy, nhà nước phải trả lãi. Ba là nhà thầu phải đi vay ngân hàng.

Chuyên đề