Cải thiện môi trường kinh doanh: Việc không của riêng ai

(BĐT) - Năm 2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ, tạo niềm tin lớn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), tuy nhiên những kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. 
Hội nghị Chính phủ với các địa phương ghi nhận nhiều đánh giá tích cực về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Ảnh: Quang Hiếu
Hội nghị Chính phủ với các địa phương ghi nhận nhiều đánh giá tích cực về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Ảnh: Quang Hiếu

Một trong những lực cản chính là không ít bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Ấn tượng về số doanh nghiệp thành lập mới

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 28/12, Chính phủ đánh giá cao những kết quả mà nền kinh tế đạt được trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết (NQ) 01, NQ35 được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tại Hội nghị cho biết, với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, năm 2016, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện nhờ những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư theo quy định của Luật DN, Luật Đầu tư sửa đổi và những đổi mới trong hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2016, cả nước có hơn 110.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 891.094 tỷ đồng, tăng 16,2% về số lượng DN và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Đây là số lượng DN thành lập mới kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, cả nước có 26.000 DN trước đây khó khăn ngừng hoạt động nay đã quay trở lại hoạt động, tăng hơn 24% so với năm 2015.

Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đạt kết quả ấn tượng với tổng vốn đăng ký đạt 24,372 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2015; vốn thực hiện tính đến ngày 26/12 cũng đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, trong năm 2016, số DN đăng ký thành lập mới của Thành phố tăng cao nhất từ trước đến nay với hơn 22.000 DN (tăng 19% so với năm 2015). Lượng vốn đăng ký đầu tư của cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đều tăng kỷ lục. Chia sẻ thêm về tín hiệu vui này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, số DN đăng ký thành lập mới của Thành phố trong năm 2016 lên tới 36.000 DN, tăng hơn 12% so với năm 2015. Kết quả này có được là nhờ Thành phố đã thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, giải quyết mọi vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh.

Về mục tiêu năm 2017, ông Phong cho biết, năm 2017: “Thành phố đặt mục tiêu có thêm 50.000 DN. Để đạt mục tiêu này, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, hướng tới phục vụ người dân và DN tốt nhất”. 

Tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiều ý kiến tại Hội nghị nhấn mạnh trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và hiệu quả từ việc triển khai thực hiện tại địa phương.
Ghi nhận những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, song các báo cáo và các ý kiến trình bày tại Hội nghị vẫn nhận định môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng, cần được cải thiện hơn nữa. Một trong những lực cản này chính là các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia dù đã được đề ra nhưng chưa được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt.

Đề cập hạn chế này trong việc triển khai thực hiện NQ35, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh sự tích cực vào cuộc của nhiều bộ, ngành và địa phương thì vẫn còn một số đơn vị nhìn nhận về NQ35 chưa được sâu sắc, từ đó dẫn đến việc chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt. Điển hình như chậm ban hành chương trình hành động so với thời hạn đặt ra, chưa kịp thời tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn, hay đối thoại còn hình thức, chỉ ở mức độ ghi nhận kiến nghị…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành, địa phương còn thiếu sự phối hợp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại NQ19. Dẫn ví dụ về việc cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh trong thực hiện NQ này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nhiều người thường nghĩ cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh là việc của Bộ KH&ĐT, đổi mới sáng tạo là trách nhiệm của Bộ KH&CN hay cấp phép xây dựng là của Bộ Xây dựng…, tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, có rất nhiều chỉ tiêu cụ thể trong từng chỉ số là của các bộ, ngành khác.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiều ý kiến tại Hội nghị nhấn mạnh trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và hiệu quả từ việc triển khai thực hiện tại địa phương.

Đánh giá về tầm quan trọng của NQ19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nếu chúng ta thực hiện tốt NQ này, thì chỉ trong một vài năm tới, môi trường kinh doanh sẽ có nhiều cải thiện, nền kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn, thị trường Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyên đề