Cải cách môi trường kinh doanh: Tăng cường độ, xóa chậm trễ

(BĐT) - Quý đầu tiên của năm 2019 đã khép lại với nhiều tín hiệu lạc quan khi tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,79% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một mức tăng trưởng khá, trong đó có những đóng góp không nhỏ từ nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh. Dù vậy, vẫn có nơi, có chỗ cải cách còn chậm trễ, thậm chí chưa có thêm chuyển biến nào được ghi nhận.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet

Những diễn biến nổi bật

Điểm lại diễn biến nổi bật về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP trong quý I/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tính đến ngày 27/3/2019, Bộ đã nhận được kế hoạch hành động của 20 bộ, cơ quan và 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điểm nổi bật trong các kế hoạch hành động là bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 02. Một số đơn vị còn có kế hoạch hành động chi tiết, có thể đánh giá được kết quả và mức độ thực hiện. Đặc biệt, so với các năm trước, kế hoạch hành động của các đơn vị ban hành năm 2019 có chất lượng hơn.

Về phía địa phương, những tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch có chất lượng vẫn là các địa phương đi đầu trong thực hiện Nghị quyết như: Quảng Ninh, Hà Nội, Đồng Tháp… Bên cạnh đó, một số địa phương thuộc miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên… có sự chuẩn bị tích cực, chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch thực thi Nghị quyết, thậm chí có địa phương còn nắm rõ các chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế tốt hơn so với một số bộ, ngành.

Cũng tính đến ngày 27/3/2019, Bộ KH&ĐT mới nhận được tài liệu hướng dẫn của một vài đơn vị về các chỉ số được giao như: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Xây dựng; Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp... Còn một số đơn vị như: Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… chưa ban hành tài liệu hướng dẫn.

Trong quý I, bên cạnh một số đơn vị tích cực rà soát, đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), vẫn còn một số ít bộ chậm trễ triển khai nội dung này so với kế hoạch.

Riêng công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu trong quý I năm 2019 chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể. Quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Đối với nhiệm vụ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cơ quan tổng hợp báo cáo cho biết, đã có một vài kết quả cụ thể về thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt được ghi nhận trong quý I. Đơn cử, Tổng cục Hải quan hướng dẫn các DN thực hiện nộp các khoản vào ngân sách nhà nước bao gồm phí, lệ phí, nộp phạt… bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc nộp tiền mặt tại ngân hàng thương mại kể từ ngày 1/4/2019; ngày 12/3/2019, Chính phủ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia kết nối 95 cơ quan trung ương và địa phương…

Cần tiếp tục những hành động cụ thể, thực chất

Từ những chuyển động trong thực hiện cải cách môi trường kinh doanh quý đầu tiên của năm 2019 cho thấy, bên cạnh những đơn vị rất tích cực vẫn còn những đơn vị chưa thực sự rốt ráo, “nói không đi đôi với làm”. Ngay tại Báo cáo công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 vừa công bố cho thấy, môi trường kinh doanh vẫn còn có những điểm chưa sáng. Đó là tỷ lệ DN phải trả chi phí không chính thức còn tương đối cao, rào cản thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn…

Nghị quyết số 02 của Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, để đạt mục tiêu này thì môi trường kinh doanh phải thực sự trong sạch, lành mạnh. Các rào cản đối với sự phát triển của DN phải được gỡ bỏ… Chung quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, các sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất, tránh việc đẻ ra những thủ tục mới tạo thêm gánh nặng cho DN. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cần có thước đo để đong đếm…

Khẳng định yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là ưu tiên, nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT tiếp tục kiến nghị, đề xuất 6 nhóm giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết số 02. Trong đó, giải pháp đầu tiên và ưu tiên số 1 được cơ quan tham mưu kiến nghị là yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sát sao việc thực hiện các nghị quyết, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Tiếp đó, yêu cầu các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi. Hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành…

“Nếu những giải pháp tổng thể này được thực hiện một cách đồng bộ, thực chất, chắc chắn mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 02 sẽ đạt được”, một chuyên gia kinh tế khẳng định.                         

Chuyên đề