Cải cách môi trường kinh doanh chưa đủ, chưa nhanh

(BĐT) - 5 năm (2014 - 2018) thực hiện cải cách theo Nghị quyết 19 (NQ19) của Chính phủ, nhiều chỉ số của Việt Nam trong Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) đã có sự cải thiện. 
Khoảng cách trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam so với các nước ASEAN4 đã được thu hẹp. Ảnh: Quang Hưng
Khoảng cách trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam so với các nước ASEAN4 đã được thu hẹp. Ảnh: Quang Hưng

Tuy nhiên, tốc độ và cường độ về cải cách của từng bộ, ngành, địa phương dường như chưa đủ, chưa nhanh, chưa kịp so với các nước khác.

Tạo ra nhiều sự khác biệt

Nhìn lại giai đoạn 5 năm (2014 - 2018) thực hiện NQ19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “NQ19 đã tạo khác biệt rõ ràng, khác biệt trong việc cải cách môi trường kinh doanh so với trước đó”.

Sự khác biệt này thể hiện ở 3 điểm chính. Thứ nhất là lần đầu tiên chúng ta áp dụng một phương pháp hoàn toàn mới, lấy đánh giá của WB để áp dụng cho cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam thay vì tự đánh giá, từ đó chúng ta đưa ra những mục tiêu lượng hóa được, theo dõi được. Khác biệt thứ hai, trong 5 năm qua, sự quan tâm của các bộ, ngành và địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh đã được mở rộng và gia tăng. Ban đầu thì chỉ có Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, TP.HCM, song đến nay hầu như các bộ đều quan tâm, chủ động triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo NQ19.  Thứ ba, Chính phủ trong nhiệm kỳ này đã rất quyết liệt nhắc nhở, tạo áp lực để các bộ, ngành cơ quan thực hiện NQ19. “Gần như không có cuộc họp định kỳ hàng tháng nào Thủ tướng Chính phủ không nhắc đến triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Cung cho biết.

Theo đó, sau 5 năm, điểm số và thứ hạng xếp hạng của Việt Nam trong Doing Business của WB tăng liên tục. Đến nay, 9/10 chỉ số đánh giá được cải thiện liên tục (trừ Chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp), thu hẹp dần khoảng cách so với ASEAN4 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines).

Ngoài việc áp dụng các chỉ tiêu đánh giá của WB, NQ19 cũng triển khai một số giải pháp khác để cải thiện môi trường kinh doanh như: cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD) và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Hiện 15 nghị định liên quan đến cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD đã được ban hành. Nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành kéo dài hàng chục năm như: kiểm tra formaldehyde, dán nhãn năng lượng… đã được đơn giản hóa. Cùng với đó, việc chuyển đổi kiểm tra an toàn thực phẩm từ tiền kiểm sang hậu kiểm đã đơn giản hóa và cắt bỏ được tới 90% số thủ tục cho cộng đồng doanh nghiệp liên quan. 

Yêu cầu cải cách thực chất

Tại Hội thảo “Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19” diễn ra cuối tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng, khoảng cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam so với các nước ASEAN4 đã được thu hẹp, nhưng vẫn chậm. Hiện, duy nhất có Chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam cao hơn ASEAN4, còn các chỉ số khác đều thấp hơn.

Cũng theo Doing Business 2019 vừa công bố, điều đáng buồn là xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm 1 bậc so với năm 2018, xếp vị trí 69/190 quốc gia đánh giá. Điều đáng nói, trong 10 chỉ số đánh giá thì có nhiều chỉ số dù tăng điểm, song vẫn giảm bậc như: Chỉ số cấp phép xây dựng; chỉ số tiếp cận tín dụng; chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới… Trượt bậc dài nhất, tới 45 bậc là chỉ số Nộp thuế và bảo hiểm xã hội. Còn Chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp vừa giảm cả điểm và thứ hạng, được xem là “điểm trừ lớn nhất của môi trường kinh doanh”.

“Do vậy, nếu không muốn trượt xuống trên bảng xếp hạng, Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách và cải cách đột phá hơn”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc CIEM nói.

Về việc thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, theo đánh giá của CIEM, cho dù có 15 nghị định đã được ban hành, song chất lượng cắt giảm cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá. Tuy nhiên, qua rà soát sơ bộ cho thấy, vẫn còn nhiều ĐKKD không phù hợp, không hiệu quả chưa được cắt giảm. Lo lắng hơn, rà soát sơ bộ cho thấy các dự thảo Nghị định sửa nhiều nghị định về ĐKKD không bổ sung ĐKKD mới, nhưng với các dự thảo nghị định sửa đổi riêng thì có bổ sung ĐKKD mới.

Nhìn về dư địa cải cách môi trường kinh doanh, các ý kiến đều cho rằng, Việt Nam còn dư địa lớn cho cải cách nâng cao thứ bậc xếp hạng môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ phải mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất hơn nữa.

Chuyên đề