Các dự án đối tác công tư vào “tầm ngắm” giám sát

(BĐT) - Việc thu phí cao tại một số trạm thu phí dự án BOT giao thông và những khuất tất, thiếu minh bạch trong quá trình triển khai dự án đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, đây là một trong những nội dung lần đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV đề xuất Quốc hội đưa vào Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017.
Hiện cả nước có tới 96 trạm thu phí BOT, quy hoạch đến năm 2020 sẽ tăng lên 102 trạm. Ảnh: Lê Tiên
Hiện cả nước có tới 96 trạm thu phí BOT, quy hoạch đến năm 2020 sẽ tăng lên 102 trạm. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều bất cập, thiếu minh bạch trong thực hiện dự án BOT

Tại phiên họp ngày 25/7, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội khóa XIV cho biết, UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong số 4 nội dung giám sát, trong đó có nội dung giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT) nói riêng và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung. UBTVQH cũng đề nghị giao chủ trì nội dung giám sát này cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo UBTVQH, việc lựa chọn các chuyên đề giám sát dựa trên 4 tiêu chí cơ bản. Thứ nhất là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với công tác xây dựng pháp luật. Thứ hai là không trùng với các chuyên đề đã được Quốc hội, UBTVQ tiến hành giám sát trong khoảng từ 3 - 5 năm tính đến thời điểm đề xuất. Thứ ba là phải đảm bảo cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực. Thứ tư là phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.

Lý giải về sự cần thiết của việc đưa nội dung giám sát các dự án BOT vào Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017, nhất là các dự án BOT giao thông, UBTVQH cho rằng, đây là một trong những vấn đề “nóng” mà dư luận, báo chí và người dân quan tâm thời gian qua. Quốc hội cần rà soát và giám sát độc lập việc triển khai các dự án này, có thông tin đầy đủ để giải trình, trả lời vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm, đặt ra; đồng thời đưa ra các quyết sách quan trọng để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai và hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo UBTVQH, hiện cả nước có tới 96 trạm thu phí BOT, quy hoạch đến năm 2020 sẽ tăng lên 102 trạm thu phí và đến năm 2030 là 121 trạm thu phí BOT. Tuy nhiên, việc khai thác các công trình BOT giao thông thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận xã hội, người dân và doanh nghiệp. Đơn cử như: mức thu phí tại một số trạm thu phí quá cao; bố trí quá nhiều trạm thu phí chưa theo quy hoạch và chưa đảm bảo khoảng cách theo quy định, gây ùn tắc giao thông; thiếu minh bạch trong thực hiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, năng lực nhà đầu tư, chất lượng quản lý công trình, giá thành, hiệu quả đầu tư, vai trò quản lý nhà nước đối với dự án, thời gian thu phí hoàn vốn…

Mặt khác, theo UBTVQH, mục tiêu chính của các dự án BOT là thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào hạ tầng, bổ khuyết cho sự thiết hụt của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các dự án BOT được thực hiện trong thời gian vừa qua chủ yếu vẫn là vay vốn từ ngân hàng và một số lớn dự án được Chính phủ bảo lãnh. Bản chất của các khoản bảo lãnh của Chính phủ vẫn thuộc trách nhiệm trả nợ của Nhà nước, nguyên nhân gián tiếp dẫn tới tăng nợ công.

Cần tôn trọng quyền lựa chọn của người dân

Qua phản ánh của dư luận và báo chí thời gian gần đây cho thấy có sự thiếu minh bạch, bưng bít thông tin của các chủ đầu tư dự án BOT trong việc công khai báo cáo lưu lượng xe lưu thông qua trạm thu phí
Quan điểm này nhận được nhiều sự đồng thuận của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), bởi thông qua việc giám sát của Quốc hội sẽ làm minh bạch hóa vấn đề mà dư luận quan tâm về suất đầu tư các dự án BOT, BT,  mức thu và thời gian thu phí hoàn vốn, bảo đảm khoảng cách giữa các vị trí đặt trạm thu phí…

Cho rằng sự bức xúc của người dân thời gian qua là hoàn toàn chính đáng, ĐBQH Lê Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, quyền tự do đi lại của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Điều đó có nghĩa là người dân, doanh nghiệp có quyền lựa chọn sử dụng hay không sử dụng phần đường, cầu mà dự án BOT đầu tư. Tuy nhiên, thực tế gần đây lại cho thấy một số chủ đầu tư tìm mọi cách để “ngăn sông cấm chợ”, ép buộc người dân phải đi qua phần cầu, đường của dự án BOT.

Mặt khác, qua phản ánh của dư luận và báo chí thời gian gần đây cho thấy có sự thiếu minh bạch, bưng bít thông tin của các chủ đầu tư dự án BOT trong việc công khai báo cáo lưu lượng xe lưu thông qua trạm thu phí. Kết quả kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) mới đây tại Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ là một ví dụ. Cụ thể, theo báo cáo của chủ đầu tư dự án này, mức thu phí bình quân mỗi tháng đạt 35 tỷ đồng, nhưng thực tế kiểm tra lại cho thấy, mức phí thu được đã lên tới 1,9 tỷ đồng/ngày, tăng 500 triệu đồng/ngày so với con số báo cáo của chủ đầu tư.

Liên quan đến nội dung này, trước đó, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về các điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thẩm định các dự án PPP, việc quyết định phí - lệ phí, nội dung hợp đồng PPP, quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên; bổ sung các tư vấn thẩm định độc lập các dự án PPP; bổ sung quy định bắt buộc công khai thông tin về hợp đồng PPP, giám sát thực hiện hợp đồng PPP (bao gồm cả cơ chế giám sát của xã hội).

Chuyên đề