Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Lỗi chủ quan thì phải nhận, không đùn đẩy trách nhiệm

(BĐT) - “Tôi có thói quen đứng lên rời khỏi văn phòng là không còn văn bản nào trên mặt bàn. Nếu nhiều quá tôi mang về làm, sáng mai trả ngay. Mình làm thêm một chút, cố một chút thì người dân, doanh nghiệp được nhờ. Chúng tôi đã quán triệt tinh thần này với các anh em trong Bộ KH&ĐT”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Lỗi chủ quan thì phải nhận, không đùn đẩy trách nhiệm

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng ngày 25/8. Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, nhiều nhiệm vụ Chính phủ giao bị quá hạn do lỗi chủ quan, Bộ KH&ĐT nhìn nhận và không đùn đẩy. 

Số lượng nhiệm vụ cao nhất so với các bộ, ngành

Ngày 25/8/2016, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ KH&ĐT về việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo số liệu trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi của Văn phòng Chính phủ, từ ngày 1/1/2016 đến 22/8/2016, tổng số nhiệm vụ Bộ KH&ĐT được giao là 241 nhiệm vụ, trong đó có 15 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Tuy nhiên, khi đối chiếu với các nhiệm vụ qua đường công văn mà Bộ nhận được, con số nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT thực tế  lên tới 745 nhiệm vụ.

Các thành viên của Tổ công tác đánh giá, số lượng nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ rất lớn, cao hơn nhiều so với các bộ, cơ quan, địa phương khác, nhưng Bộ đã cơ bản hoàn thành. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Trong những năm qua, Bộ KH&ĐT đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, như tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng ban hành các chính sách về đầu tư công trung hạn, qua đó bỏ cơ chế xin - cho, tăng chủ động cho các bộ ngành, địa phương; xây dựng các chương trình, đề án, dự án lớn, nhất là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ cần rà soát lại, quan tâm hơn tới một số lĩnh vực với sự chỉ đạo quyết liệt hơn, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, của Thủ tướng. Bộ KH&ĐT cũng đã rất đổi mới trong đề xuất các luật, nhưng thực tiễn cho thấy cần xem xét lại những bất cập, cần tiếp tục cải cách bằng một luật sửa nhiều luật về đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, gỡ bỏ hết những vướng mắc về điều kiện kinh doanh, để năm 2016 là năm khởi nghiệp.

Không đùn đẩy trách nhiệm

Trao đổi tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: “Bộ KH&ĐT là bộ tổng hợp, công việc liên quan tới nhiều bộ, ngành, địa phương. Cho dù chúng tôi đã có đốc thúc, nhưng cũng còn công việc chậm. Thực tế, cũng có đơn vị chưa làm hết trách nhiệm. Chúng tôi đã yêu cầu, công việc đến phải xử lý ngay, nếu phát hiện vướng mắc khó khăn, cần thêm thời gian nghiên cứu phải đề xuất nhưng cũng phải có thời hạn, không được đùn đẩy”.

Về 15 nhiệm vụ quá hạn, các đơn vị của Bộ KH&ĐT cho biết, một số nhiệm vụ rất lớn, khó, liên quan tới nhiều lĩnh vực, dẫn tới chậm tiến độ. Ví dụ, nhiệm vụ nghiên cứu mô hình đầu tư, kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ công theo hướng nhượng quyền đầu tư, khai thác kinh doanh có điều kiện, hiện đã chậm 19 ngày. Hay như Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiện đã chậm tiến độ 49 ngày.

Bên cạnh đó, có những việc chậm do sự phối hợp của các bộ, ngành, như việc bố trí vốn thực hiện các dự án thủy lợi, cấp nước sạch cấp bách ứng phó hạn mặn ở các tỉnh phía Nam. “Nay hạn mặn đã sắp sang chu kỳ mới rồi mà chưa tỉnh nào nhận được một đồng nào”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sốt ruột, đồng thời cho biết, đến nay Bộ KH&ĐT và Bộ NN&PTNT đã thống nhất được quan điểm, ngay đầu tuần tới Bộ sẽ trình Thủ tướng.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải làm rõ trách nhiệm, báo cáo trung thực, cầu thị, phần nào thuộc tránh nhiệm của mình thì phải nhận, rút kinh nghiệm và khắc phục. Thừa nhận vẫn có tình trạng một số đơn vị thuộc Bộ “giữ bóng trong chân”, Bộ trưởng Dũng đề nghị các đơn vị trong Bộ với những vấn đề lớn, mới, khó, liên quan đến nhiều bộ ngành, không làm được thì phải báo cáo lại ngay, xin phép lùi thời hạn rõ ràng chứ không thể ngâm mãi như vậy.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá qua làm việc đã chỉ ra được nguyên nhân các nhiệm vụ quá hạn, Bộ KH&ĐT và các đơn vị đã nhận trách nhiệm rất rõ. Đối với việc phối hợp giữa các bộ, ngành hiện còn không ít vướng mắc, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành quy chế làm việc mới, chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong phối hợp, với tinh thần là nhanh hơn, ít thời gian hơn, nếu không trả lời coi như đồng ý.

Chuyên đề