Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

(BĐT) - Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ngày 4/6, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP
Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm. Bộ trưởng LĐTBXH đã nắm rất chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, khúc triết, đưa ra nhiều giải pháp có lộ trình thực hiện rõ ràng.

Cần quy trình điều tra, xét xử đặc biệt

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, trong số xâm hại, bạo hành trẻ em trong 5 tháng đầu năm 2018 thì xâm hại tình dục chiếm 84%. Xâm hại tình dục trẻ em diễn biến rất phức tạp, không chỉ trẻ em gái, trẻ em trai cũng bị xâm hại. Có cả những đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội...

Nguyên nhân của tình hình trên là do: Việc tố cáo trình báo tội phạm xâm hại trẻ em thường chậm, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý tội phạm; vụ việc có tính nhạy cảm nên người thân thường dấu kín, lo ngại nạn nhân bị ảnh hưởng tâm lý nên không hợp tác với cơ quan điều tra; hầu hết các vụ không có nhân chứng trực tiếp, nạn nhân còn nhỏ tuổi, hoảng loạn tâm lý nên khai báo không chính xác, hoặc khai báo không thống nhất,...

Về giải pháp, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân về phòng chống xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thực hiện các hiệu quả giải pháp tuyên truyền, giáo dục; đổi mới việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xét xử tội phạm; cần có quy trình điều tra, xét xử đặc biệt đối với loại tội phạm này để tạo thuận lợi cho việc điều tra xét xử tội phạm xâm hại trẻ em; tập trung hướng dẫn, đào tạo đội ngũ điều tra viên; tăng cường hợp tác quốc tế ngăn chặn đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam phạm tội... 

6 tháng truy tố 753 vụ xâm hại trẻ em


Giải trình trước Quốc hội về tình trạng xâm hại trẻ em Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, đây là vấn đề hết sức gây bức xúc trong xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2018, chúng ta đã khởi tố hơn 701 vụ, truy tố 753 vụ, 805 bị can, đưa ra xét xử gần 648 vụ và 690 bị can

Viện trưởng cho rằng để giải quyết thực trạng này cần phải thực hiện đồng bộ từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Trước mắt cần hoàn thiện hệ thống luật pháp để đảm bảo yêu cầu cuộc đấu tranh này không chỉ dừng lại ở quyết tâm mà phải bằng pháp luật, bằng sự phối hợp của các bộ, ban, ngành. Bên cạnh đó, cần xây dựng kỹ năng cho các em ý thức được về việc bị xâm hại. Khi phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh trước pháp luật các đối tượng để tạo ra sự răn đe, giáo dục chung.

Viện trưởng VKSNDTC cho rằng 17 cơ quan có liên quan đến việc bảo vệ trẻ em cần phải có sự phối hợp tốt. “Nhạc trưởng” trong việc bảo vệ trẻ em sẽ hành xử thế nào khi phát hiện các vụ việc. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công thì sẽ rõ được trách nhiệm của từng đơn vị như thế nào.

Viện trưởng cho biết thêm, tháng 12/2017, Bộ Công an, VKSNDTC và một số bộ ngành đã phối hợp ban hành thông tư liên tịch về việc phối hợp trong xử lý các vụ xâm hại trẻ em; đang hoàn thiện dự thảo thông tư liên tịch xử lý đối tượng xâm hại trẻ em dưới 18 tuổi;...

Khó khăn điều tra, thu thập chứng cứ

Liên quan đến vấn đề này, Chánh án TANTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo thống kê 5 năm, từ 2013 đến 2017, tòa án đã giải quyết hơn 8100 các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, bao gồm 5 tội danh khác nhau. 

Theo Chánh án TANDTC, những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em không gây khó khăn trong quá trình xét xử nhưng khó khăn trong quá trình điều tra.

Bởi phần lớn các vụ việc truy xét nhưng không có người làm chứng, thời gian xảy ra đến khi phát hiện thường là đã xa; gia đình nạn nhân ngại khai báo, thậm chí con che giấu, từ chối giám định, không hợp tác với cơ quan điều tra. Đây là những việc rất khó khăn trong quá trình điều tra vụ án.

Về giải pháp, Chánh án TANDTC cho rằng các cơ quan tố tụng đã phối hợp rất chặt chẽ, đưa được hơn 90% các vụ việc đưa ra xét xử đúng người đúng tội. Tỷ lệ trả, hủy sửa, trả hồ sơ đòi hỏi phải hạ xuống theo yêu cầu của Quốc hội, mong muốn của cử tri.

Về giải pháp triển khai tổ chức, TANDTC vừa ban hành thông tư yêu cầu tòa án địa phương, trong đó có các tòa án cấp huyện đủ điều kiện hình thành tòa chuyên trách về hôn nhân gia đình và vị thành niên. Ngoài ra, TANDTC đã áp dụng phòng xét xử thân thiện dành cho trẻ vị thành niên ở TPHCM và đang nhân rộng ra cả nước. Những nạn nhân có thể không phải ra tòa mà chỉ thẩm vấn qua micro để đảm bảo về mặt tâm lý.

Tăng cường đấu tranh tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em 

Tiếp tục trả lời chất vấn của các ĐBQH về giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, phải từ phân loại để tìm ra giải pháp. Hiện nay, tỷ lệ 59,9% số người có hành vi xâm hại trẻ em là người thân, người quen. Đây chính là đối tượng thời gian tới phải quan tâm hơn để ngăn chặn tình trạng này.  

Các giải pháp cụ thể, Bộ trưởng nêu rõ: Trước hết phải tăng cường quản lý Nhà nước, đặc biệt trong luật phải quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ LTBXH, UBND các cấp và sửa đổi luật pháp liên quan.  

Thứ hai, cần tăng cường tuyền thông trong mỗi gia đình, để thời gian tới sẽ thay đổi trong quản lý gia đình, tăng cường trách nhiệm của người bố, người mẹ, hay các anh, chị trong gia đình, cùng nhà trường, xã hội. 

Thứ ba, phối hợp trong thực thi pháp luật, bảo vệ quyền của các em trong quá trình tố tụng.  

Thứ tư, tập trung xử lý, giải quyết các vụ việc nghiêm minh và nhanh chóng nhất.  

Thứ năm, đẩy nhanh việc thực hiện các dịch vụ công, nhất là dịch vụ 111 hiện phản ứng nhanh, kết nối với Chủ tịch UBND xã, Đoàn thanh niên xã.  

Thứ sáu, tập trung đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em.  

Cuối cùng, Bộ LĐTBXH đã kiến nghị với Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến về tăng cường đấu tranh tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em trong tháng này - tháng hành động vì trẻ em.   

Phòng chống xâm hại trẻ em, cần giải pháp mạnh 

Tranh luận với Bộ trưởng đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cho rằng: Trong số các giải pháp được Bộ trưởng đưa ra, chưa có giải pháp nào mạnh vì đây là loại tội phạm khá đặc biệt, khá đặc thù, khó phát hiện. Đặc biệt bằng chứng rất cần có thời gian, mà thời gian ở đây không phải theo ngày, theo giờ mà theo tháng, theo năm. 

“Chúng ta tiếp cận, xử lý tố cáo, xét xử phải làm nhanh, mạnh mẽ thì mới có được bằng chứng để kết tội”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, đối tượng bị hại là những cháu bé, khi xảy ra chuyện rất hoang mang, các cháu chưa nhận thức được có thể khó cho việc lấy lời khai. 

Trong khi đó, nhận thức ở cơ quan tố tụng cũng khác nhau. Bằng chứng là vụ án ở Vũng Tàu xử 18 tháng tù treo, mặc dù sơ thẩm là 3 năm tù, sau đó tòa giám đốc thẩm lại xử 3 năm tù. 

“Rõ ràng, sự quan tâm của chính quyền, cơ quan tố tụng chưa bảo đảm, vấn đề xã hội và gia đình cũng chưa hợp lý trong việc bảo vệ sự an toàn cho các em. Vậy thì, chúng ta sợ điều gì?”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đặt câu hỏi. 

Các cơ quan quản lý nhà nước phải nêu cao trách nhiệm

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc xâm hại tình dục trẻ em hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều câu chuyện buồn khi xảy ra rồi chúng ta mới tố cáo, điều tra. Chúng ta có 17 cơ quan phụ trách vấn đề này chứ không riêng Bộ LĐTBXH nhưng gia đình có các em nhỏ bị xâm hại lại rất đơn độc. Mong Bộ có thái độ kiên quyết hơn nữa cùng các cơ quan khác vào cuộc. Riêng vụ việc cháu bé tại Thủ Đức bị xâm hại, yêu cầu các cơ quan chức năng sớm xem xét điều tra làm rõ vụ việc vì có nhiều tình tiết mờ ám.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian qua hệ thống pháp luật cơ bản đảm bảo quyền lợi của các em một cách đồng bộ, quy định rõ từng cơ quan quản lý phụ trách từng vấn đề và Bộ LĐTBXH là cơ quan Nhà nước quản lý trực tiếp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng ý với ý kiến đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về việc thời gian vừa qua có một số vụ việc kéo dài, thậm chí xử lý chưa nghiêm minh. Nhiều vụ việc khi có ý kiến của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước thì mới tiến hành. Đây là vấn đề các cơ quan quản lý nhà nước phải nêu cao trách nhiệm. Các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng cần phải kiểm điểm, đánh giá thực chất lại vấn đề này như thế nào.

“Đại biểu muốn chúng tôi lên tiếng mạnh hơn. Hầu như các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, Bộ LĐTBXH đều chủ động có ý kiến. Nhiều vụ việc, tôi đã trực tiếp báo cáo Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để có ý kiến trực tiếp. Có những vụ việc cá nhân tôi trực tiếp trao đổi.

Ví dụ, vụ án Nguyễn Khắc Thủy, ngay buổi chiều hôm kết thúc Phiên tòa của Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi đã báo cáo với Quốc hội, đã xin gặp trực tiếp, trao đổi trực tiếp với Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình.

Tôi nói rõ, quan điểm cá nhân tôi cũng như trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước không đồng tình với kết quả xét xử và đề nghị, Tòa án nhân dân tối cao, VKSNDTC xem xét lại và xử lý nghiêm minh theo pháp luật”, Bộ trưởng giải trình và khẳng định: Trong các vụ việc không phải Bộ không lên tiếng mà tùy từng vụ việc Bộ đều có ý kiến theo những cách khác nhau để bảo vệ quyền lợi các em.

Làm gì để khuyến khích bà con bám biển?

Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn: Trong giải trình của Bộ trưởng về vấn đề đưa lao động đi nước ngoài có đưa ra một sự việc như là thành tích của mình. Đó là sau sự kiện Formosa, Bộ đã đưa 18.000 người dân 4 tỉnh ra nước ngoài làm việc. 

Nỗi lo lắng của chúng tôi là với việc chuyển đổi như hiện nay, xu hướng người dân lên bờ làm việc nhiều hơn nghề đi biển gian khổ, nguy hiểm, vất vả. Vậy Bộ có chủ trương gì để khuyến khích bà con bám biển, vì đó không phải chỉ là lao động mà lực lượng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc? 

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc rất khó đối với ông và cho rằng “riêng câu hỏi này, một mình Bộ LĐTBXH không làm được”. 

Còn việc Bộ cố gắng đưa được 18.000 lao động ở 4 tỉnh sau khi xảy ra sự cố Formosa đi làm việc tại nước ngoài là sự giải quyết mang tính chất tình thế, tạm thời. Bộ không coi đây là giải pháp lâu dài. 

Giải pháp lâu dài là phải ổn định đời sống cho bà con vùng biển. Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của đại biểu và sau kỳ họp này sẽ bàn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung cụ thể hóa chiến lược biển, trong đó có đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho bà con.

Đã hỗ trợ 3,6 triệu lượt người thất nghiệp

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh chất vấn giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư 67.000 tỷ đồng. 10 năm qua quỹ này đã hỗ trợ 3,6 triệu lượt người thất nghiệp; 3,2 nghìn người học nghề.

Doanh nghiệp muốn được hỗ trợ từ quỹ này thì phải đảm bảo 3 điều kiện: Đất nước suy giảm kinh tế; thay đổi cơ cấu doanh nghiệp; lý do bất khả kháng.

Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ sẽ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giảm nhẹ các điều kiện để doanh nghiệp có thể cận được vốn từ quỹ này. 

Bộ cũng sẽ hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp theo thông lệ các nước đang áp dụng.

Không có chuyện lao động sau 35 tuổi ở doanh nghiệp FDI bị sa thải hàng loạt

Đại biểu Phùng Thị Thường nêu chất vấn về giải pháp bảo vệ quyền lợi cho người lao động khu vực FDI trước xu hướng thất nghiệp sau 35 tuổi tại khu vực này gia tăng, nhất là lao động nữ.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng khẳng định doanh nghiệp FDI có vai trò rất quan trọng, đóng góp rất lớn về kinh tế cho đất nước. Cùng với đóng góp kinh tế thì khu vực FDI  góp phần rất quan trọng vào giải quyết lực lượng lao động . Tính đến nay riêng khu vực FDI có khoảng 2,68 triệu người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp FDI. Trong đó một số tập đoàn lớn như Pou Chen khoảng 150, Samsung khoảng 170, hãng Nike kể cả gia công khoảng 400 nghìn lao động. Phần đa, những tập đoàn, những doanh nghiệp FDI lớn rất quan tâm đến đời sống phúc lợi của người lao động. Vừa qua xảy ra một số vụ việc chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và lẻ.

Về việc bảo vệ quyền lợi người lao động trong các doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng cho biết, về cơ bản các doanh nghiệp, các tập đoàn FDI cũng quan tâm đến đời sống của người lao động.

Thời gian vừa qua, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan cũng đã đi kiểm tra thực tiễn rất nhiều doanh nghiệp FDI. Thủ tướng cũng mới có đối thoại với doanh nghiệp FDI và đối thoại với công nhân. Chúng ta cũng điều chỉnh để đề nghị các doanh nghiệp FDI quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi xã hội. Bình quân mức lương hiện nay tại các tập đoàn lớn khoảng 5,5 triệu.

Có ý kiến nói thời gian vừa qua, tỷ lệ ở các doanh nghiệp FDI xa thải số người tuổi 30, 35 là tỷ lệ lớn. Thậm chí có ý kiến của một viện nghiên cứu đưa ra đó là xa thải 80% người lao động ở độ tuổi 30, 35.

Báo cáo với Quốc hội và cử tri cả nước, Bộ trưởng khẳng định “không có chuyện này” và cho biết, thời gian vừa qua, ngay sau khi có thông tin Bộ đã phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, đi khảo sát và đi kiểm tra thực tiễn ở các doanh nghiệp và một số doanh nghiệp của ba tỉnh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả cho thấy “con số không phải như thế”. Chỉ có 11%, trong số 11% của những người nghỉ việc hoặc xin nghỉ việc hoặc nghỉ một lần vì nhiều lý do khác nhau, nằm trong số này, số ở độ tuổi 30, 35. Tất cả số nghỉ này có thể là vì nguyện vọng cá nhân hoặc nghỉ một lần chứ không phải bị sa thải. Nếu tính như vậy chỉ vào khoảng 1,9% so với tổng số người lao động của doanh nghiệp đó. Còn riêng Thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Ninh rất hạn chế.

Bộ trưởng cho biết, gần đây nhất, cách đây một tuần ông đã trực tiếp đi nghe ở Samsung, hiện nay Samsung bỏ tiền ra đào tạo 1.986 công nhân học chương trình cao đẳng. Trong đó 555 đã tốt nghiệp và khi tốt nghiệp xong họ nâng lương cho những người này, mức tăng thên là 977.000 đồng/người/tháng. FDI của Samsung vừa rồi nhận 1.862 người, trong đó có 551 người ở độ tuổi 35.

“Về cơ bản tôi báo cáo đại biểu như vậy để thấy bức tranh tổng thể. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục tiếp thu ý kiến đại biểu, đúng là phải chăm lo cho khu vực này". 

"Vì vậy, ngày 2/6 vừa qua tôi đã báo cáo Chính phủ, trong nghị quyết của Chính phủ đồng ý để Bộ xây dựng một dự án về tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho công nhân, người lao động FDI khi thất nghiệp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp nói chung của chúng ta có thể đào tạo, chuyển nghề cho người lao động khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất mà nguy cơ người lao động phải thay đổi hoặc không có việc làm. Khi chúng tôi triển khai đề án này các nội dung sẽ được triển khai chu đáo, kể cả về công việc, về đào tạo nghề, thu nhập và các điều kiện khác” – Bộ trưởng nói.

Năm 2018 là năm đột phá giáo dục nghề nghiệp

Có 68 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung. Mở đầu phiên chất vấn đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Trần Văn Mão (Nghệ An), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình),  gửi tới Bộ trưởng chất vấn về giải pháp ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trình độ lao động; sắp xếp lại các trung tâm dạy nghề;...

Về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ trưởng cho biết chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay thấp, chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đào tạo còn bất cập, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng cả về kỹ năng, thu nhập, độ an toàn, mạng lưới an sinh... do đó thời gian tới ưu tiên cho giáo dục nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động. 

Bộ chọn năm 2018 là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp, trong đó: Tiến hành quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh sang tự chủ tạo động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp; chuyển hẳn sang một hướng mới là kết nối đào tạo với doanh nghiệp, doanh nghiệp đồng hành với giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo gắn với thị trường, với cung cầu lao động... Bộ trưởng khẳng định, đây mới là sự mở đầu, nhưng là sự mở đầu quan trọng cho một hướng đi mới.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh sắp xếp lại các đơn vị đào tạo, sáp nhập các trung tâm cấp huyện, những trường nào không tuyển sinh được, không đáp ứng nhu cầu thì kiên quyết sắp xếp lại, thậm chí giải thể, theo tinh thần bảo đảm tinh gọn bộ máy, nhưng hoạt động có hiệu quả. 

Xuất khẩu lao động đem lại lợi ích rất lớn

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng); Nguyễn Tạo (Lâm Đồng); Đôn Tuấn Phong (An Giang) chất vấn giải pháp nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động; giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại trẻ em; giải pháp quản lý tình trạng lao động các tỉnh giáp biên tự do lao động ở nước ngoài...

Về xuất khẩu lao động, Bộ trưởng cho biết đây là một chủ trương của Đảng, Nhà nước đã được luật pháp quy định cụ thể, chúng ta đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa 1 triệu thanh niên đi lao động, học tập ở nước ngoài, năm 2017 chúng ta đưa được 1340.000 lao động đi xuất khẩu,... việc này đem lại lợi ích rất lớn, 1 năm thu về khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động còn những bất cập như tỷ lệ lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước, ở lại lao động bất hợp pháp vẫn xảy ra ở một số thị trường (Hàn Quốc),... Bộ đã có nhiều giải pháp xử lý quyết liệt, bước đầu đã ngăn chặn được tình trạng này...

Về giải pháp bảo vệ lao động qua biên giới, thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo tập trung xử lý vấn đề này. Hiện chúng ta ước tính khoảng 139.000 lao động thường xuyên qua biên giới làm việc. Chúng ta thiếu khuôn khổ pháp lý về vấn đề này. Tuy nhiên có những nước đã đàm phán được, có những nước chưa thể đàm phán xong... Hiện Bộ đang hướng dẫn 7 tỉnh phía Bắc ký biên bản với các địa phương phía bạn về bảo vệ lao động.

Về phòng chống bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em, Bộ trưởng cho biết chúng ta đã có đầy đủ các khung pháp lý về vấn đề này; chúng ta cũng đã tiến hành thực hiện nhiều giải pháp như: tuyên truyền vận động; công bố đường dây nóng; xử lý nghiêm các vụ việc nổi cộm... Nhưng gần đây xuất hiện một số vụ việc có tính chất phức tạp hơn, gây bức xúc xã hội... Thời gian tới Bộ sẽ rà soát lại các quy định pháp lý, quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương; đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, xã hội, gia đình để thực hiện tốt công tác này.

Theo đó, Bộ trưởng Đào  Ngọc Dung sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm, các Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác tùy theo chất vấn có liên quan (nếu có).

Trong báo cáo gửi ĐBQH về những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung thực hiện một loạt giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động và giải quyết việc làm như: Hình thành hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự phân tầng, đào tạo những nghề mũi nhọn, đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp có công nghệ tiến tiến; đồng thời có những trường có những nghề phổ biến, đào tạo nhân lực có tính đại trà cho các doanh nghiệp trong cả nước.

Khuyến khích hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm đào tạo tại doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng các yếu tố bảo đảm, như đội ngũ giáo viên, đầu tư đồng bộ thiết bị đào tạo hướng tới phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng linh hoạt, gắn với định hướng sử dụng kỹ năng lao động của doanh nghiệp; đổi mới phương thức theo hướng đào tạo theo tín chỉ, nhằm đáp ứng nhu cầu học suốt đời của người lao động.

Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động ở các cấp để bảo đảm cho các hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng vào việc đáp ứng  nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.

Và một trong những giải pháp có tính đột phá là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề nghiệp. Doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời cũng là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình.  Xây dựng mô hình “Trường trong doanh nghiệp” - mô hình được thực hiện từ lâu ở nhiều nước công nghiệp

Chuyên đề