Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn

Chiều 13/8, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Ngay đầu giờ chiều đã có 32 đại biểu đang ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Bùi Hiền Mai, Bùi Xuân Thống (Đồng Nai), Mai Thị Phương Hoa, Lưu Bình Nhưỡng, Nguyễn Mai Bộ, Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Trần Thị Hồng Nguyên, Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Nguyễn Sĩ Cương, Đinh Duy Vượt (Gia Lai)... chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm các vấn đề: Việc cấp hơn 500 biển số xe 80A, 80B cho doanh nghiệp, hiện nay Bộ đã thu hồi hết chưa; giải pháp ngăn chặn, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em; giải pháp ngăn chặn tội phạm cướp giật tại các thành phố lớn, tội phạm giết người; giải pháp để ngăn chặn tình trạng Vũ "nhôm" không xuất hiện trong thời gian tới; đấu tranh, xử lý các vụ gian lận thi cử; tội phạm tín dụng đen,...

Cơ bản thu hồi biển xe 80A, 80B cấp cho doanh nghiệp

Về cấp biển số 80A cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã thu hồi gần như toàn bộ số biển số xe trên. Hiện còn khoảng 20 biển chưa thu hồi được vì đơn vị được cấp biển xe đã giải tán hay xe đó hết thời hạn lưu hành, Bộ đang tiếp tục truy tìm để thu hồi. Chúng tôi có tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc này. Hiện nay việc đăng ký sử dụng biển số đi vào nền nếp theo đúng quy định.

Bộ trưởng cho biết, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến rất phức tạp, 80% nạn nhân là các cháu gái, đối tượng phạm tội đa số là người quen, thân... nguyên nhân chung là do công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao; nhiều gia đình thiếu quan tâm trong việc chăm sóc con cái; công tác giáo dục giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại của trẻ còn hạn chế; việc tố cáo, tiếp nhận tin báo xâm hại trẻ em còn chưa kịp thời, gặp nhiều khó khăn... Để ngăn chặn loại tội phạm này, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Bộ sẽ tổ chức lực lượng chuyên trách, đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh phòng chống, điều tra để xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội.

Về giải pháp ngăn chặn tội phạm cướp, cướp giật, Bộ trưởng cho biết, loại tội phạm này thường xảy ra ở các thành phố lớn. Chỉ tính riêng Hà Nội, TPHCM đã chiếm khoảng 20% số vụ án cướp giật trên toàn quốc. Để ngăn chặn loại tội phạm này, bên cạnh việc phát động các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự, quản lý chặt các đối tượng cộm cán, Bộ sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, mật phục, xác lập các chuyên án để đấu tranh với các đối tượng, băng nhóm phạm tội...

Vụ Vũ "nhôm" là bài học lớn trong quản lý cán bộ

Chất vấn Bộ trưởng Công an, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết: Cử tri bức xúc trước nhiều một số vụ việc phạm tội có tổ chức liên quan đến một số sĩ quan công an thời gian qua. Trong đó, vụ Vũ "nhôm" là vụ điển hình thể hiện sự lợi dụng chức vụ để phạm tội, trục lợi.

Đại biểu đặt câu hỏi, sau vụ việc này, Bộ có rà soát và còn kiểu Vũ "nhôm" hay không, giải pháp nào để tránh tình trạng kiểu Vũ "nhôm" thời gian tới?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, liên quan đến vụ Vũ "nhôm", Bộ đã điều tra, khởi tố 5 vụ án, đã đưa ra xét xử vụ thứ nhất liên quan đến tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; đồng thời xử lý tướng lĩnh công an, xử lý nguyên lãnh đạo Bộ Công an có vi phạm.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm đây là bài học lớn về công tác quản lý cán bộ, quản lý nghiệp vụ, bị lợi dụng hình thành tổ chức bình phong.

“Chúng tôi đã rà soát, chấn chỉnh và chắc chắn sẽ không còn tình trạng lợi dụng để có hoạt động tội phạm như vậy, cương quyết không để xảy ra vụ việc tương tự Vũ "nhôm"”, Bộ trưởng khẳng định.

Hành vi gian lận thi cử không phải là mới

Trả lời đại biểu về việc điều tra gian lận thi cử, Bộ trưởng Công an cho biết ngành đã khởi tối 3 vụ án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với những người có chức trách quản lý bài thi của thi sinh.

“Đây là những thủ đoạn mới được phát hiện ra trong năm 2018 này, các thủ đoạn rất tinh vi. Tuy nhiên, hành vi gian lận thi cử thì không phải là mới và không phải đến 2018 này mới có mà có thể đã diễn ra từ thời gian trước. Chúng tôi có khảo sát một số cháu đỗ đại học với điểm số rất cao nhưng quá trình học thì không theo được chương trình”, Bộ trưởng Công an cho biết.

Để phòng chống những thủ đoạn này thì cần tiếp tục có sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý việc ra đề, chấm thi, công bố điểm… sao cho thành khâu phép kín để không thể can thiệp được, nhất là bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Đây cũng là thách thức rất lớn với các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian tới.

Tín dụng đen đẩy tình hình tội phạm tăng cao

Đối với tội phạm tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ xác định hoạt động của tín dụng đen là một trong những nguyên nhân đẩy tình hình tội phạm tăng cao vừa qua.

Tội phạm này vừa là loại tội phạm hình sự, nhưng cũng là công ty, nhóm có hoạt động liên quan kinh tế, ranh giới rất khó phân biệt.

Theo Bộ trưởng, tội phạm tín dụng đen còn đất sống là do tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn, nhu cầu của người dân cũng lớn, trong khi tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến tín dụng đen có đất phát triển.

Phần lớn đối tượng cầm đầu đều là đối tượng cộm cán, lập băng nhóm tiến hành hoạt động này; siết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ dẫn đến chết người, gây thương tích. Nhiều nơi ngang nhiên như đi cướp ngày khi đòi nợ, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều tổ chức lợi dụng, núp bóng doanh nghiệp để thực hiện hành vi phạm tội.

Công an xác định, với tổ chức cho vay tín dụng đen mà xác định được đối tượng hình sự cầm đầu thì cần tập trung đấu tranh. Bộ Công an cũng đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, với cơ quan ngân hàng huy động tiền nhàn rỗi trong dân, giải quyết tiếp cận vốn của người dân.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Theo chương trình phiên họp, chiều 13/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ trả lời chất vấn nhóm vấn đề: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. 

Cuối phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Tô Lâm và các Bộ trưởng, trưởng ngành… Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chuyên đề