Bộ Công Thương: Sẽ cắt hẳn danh mục cấp phép chứ không chỉ điều kiện

Các chuyên gia và cả lãnh đạo Bộ Công Thương đều nhất trí cho rằng: Còn nhiều giấy phép thì vẫn còn nhiều không gian để cải cách nên thời gian tới, Bộ sẽ xem xét cắt giảm hẳn danh mục cấp phép đầu tư kinh doanh chứ không chỉ điều kiện trong danh mục đó và sẽ làm liên tục để tạo môi trường minh bạch, thông thoáng nhất cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 20/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018.

Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Con số này nhiều hơn khoảng 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu và chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng.

Cùng với việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ Công Thương vào ngày 26/9, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chứng tỏ sự quyết liệt trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo môi trường minh bạch cho doanh nghiệp bằng cách lắng nghe ý kiến các đơn vị, bộ ngành liên quan trong buổi họp với Ban soạn thảo.

Có thể cắt giảm nhiều hơn 675 điều kiện kinh doanh?

Tại buổi họp đầu tiên của Ban soạn thảo do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì vào sáng 13/10, TS. Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng cần phải tiếp tục rà soát và bổ sung thêm một số tiêu chí gồm: rõ ràng thế nào là điều kiện kinh doanh, chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp và gắn với mục tiêu quản lý.

"Tôi thấy nhiều điều kiện kinh doanh không gắn với mục tiêu quản lý nào. Ví dụ, với Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu sau khi sửa vẫn giữ điều kiện "để kinh doanh nhập khẩu, xuất khẩu xăng dầu thì thương nhân phải có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn, thuộc sở hữu DN hoặc đồng sở hữu, nếu không phải thuê sử dụng từ 5 năm trở lên". Tôi không hiểu tại sao phải là 5 năm, nếu thuê 1 năm hay 6 tháng thì có tác hại gì không?", ông Đặng Quang Vinh đặt vấn đề với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Thêm nữa, theo ông Vinh, liệu có cần giữ lại các giấy phép trong khi đã chuyển sang hậu kiểm, chỉ cần doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện là được kinh doanh, Nhà nước có thể kiểm tra doanh nghiệp định kỳ hoặc bất thường nhưng hiện giờ vẫn còn quy định rất nhiều giấy phép, giấy chứng nhận.

"Còn nhiều giấy phép thì vẫn còn nhiều không gian để cải cách", ông Vinh nói.

Cùng quan điểm với TS. Đặng Quang Vinh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Phó Ban soạn thảo cũng chia sẻ thêm về việc "cắt giảm hẳn danh mục chứ không chỉ điều kiện trong danh mục đó".

Cụ thể, Thứ trưởng Khánh lấy ví dụ về điều kiện kinh doanh gạo.

"Chúng ta có quyền chỉ quản lý mặt hàng gạo thường thôi còn các loại khác không làm. Hiện, theo Quyết định 3106a chỉ cắt giảm các điều kiện bên trong và vẫn giữ đề mục đó. Vì vậy, nảy sinh 2 vấn đề, còn đề mục đó thì doanh nghiệp vẫn phải đến Bộ Công thương để cấp phép mới được làm, trong khi đó những điều kiện bên trong thì không còn là điều kiện nữa vì ai cũng áp dụng được rồi", Thứ trưởng Khánh nói.

Làm rõ thêm, Thứ trưởng Khánh cho biết, ở nước ngoài, ai muốn xây dựng nhà máy điện cũng được, nhưng khi phát điện lên lưới điện quốc gia thì cơ quan quản lý Nhà nước mới rà soát lại xem nhà máy đó có đủ điều kiện để đưa lên lưới điện không, có giấy phép kinh doanh điện chưa…

"Còn ở Việt Nam từ quy hoạch đến xây dựng nhà máy, làm xong nhà máy đã nghiệm thu rồi tại sao còn cần giấy phép phát điện lên lưới nữa? Tại sao chúng ta không đi xa hơn để cắt giảm hẳn danh mục đó?", Thứ trưởng Khánh đặt vấn đề.

Đồng thời, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, nếu như cần thiết việc doanh nghiệp quay lại Bộ Công Thương để xin cấp giấy phép thì "đề nghị chúng ta online một cách tối đa, hạn chế để doanh nghiệp không cần gặp bất kỳ chuyên viên nào".

Về vấn đề chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng đây là tư duy đúng đắn mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang làm. Tuy nhiên, cần làm rõ khi chuyển sang hậu kiểm thì ai là người đi kiểm tra và nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm thì đã có cơ chế xử lý chưa.

"Ta xây dựng một triết lý quản lý mới theo hướng mở, từ tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm. Ví dụ như, nếu anh nhập khẩu xăng dầu làm kho xăng thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia còn anh bán lẻ xăng dầu thì chỉ cần có đủ cửa hàng, đủ máy móc là được rồi, không cần Giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu nữa.

Tôi mong khi chúng ta xây dựng môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thì cần lan toả khắp nơi, không chỉ mỗi Bộ Công thương làm việc này", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Sẽ cắt giảm thường xuyên liên tục

Lắng nghe các ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Ban soạn thảo làm việc trên 5 nguyên tắc chính, gồm:

Thứ nhất, chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh.

Thứ hai, việc xây dựng, thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014.

Thứ tư, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện.

Thứ năm, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.

"Trên cơ sở 5 nguyên tắc trên và Quyết định 3610a ban hành vừa qua không đồng nghĩa sẽ phải cắt giảm 675 điều kiện, có thể nhiều hơn và cũng có thể ít hơn. Tuy nhiên, việc này phải đi vào thực chất, nghĩa là đơn giản để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng cho doanh nghiệp, cho người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và yêu cầu các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh phải làm từng bước, không thể làm ngay nên phải sửa đổi từ các Nghị định.

"Vấn đề căn bản nhất là phải xem xét lại lĩnh vực nào còn cần phải đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện", Bộ trưởng nói.

Thông tin thêm, Bộ trưởng cho biết, nhiệm vụ lớn tiếp theo đó là Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) phải tiếp tục cùng Ban soạn thảo xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực do Bộ quản lý, sớm trình lên Bộ trưởng để tiếp tục xin ý kiến của Bộ KH&CN làm cơ sở triển khai.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: "Việc rà soát, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh lần này chỉ là mở đầu cho công tác cải cách của Bộ. Đây sẽ là việc làm thường xuyên, liên tục, không phải việc làm theo năm theo tháng".

Chuyên đề