Bộ Công Thương: 3 nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện tăng trong tháng 4/2019

(BĐT) - Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện ngày 17/5/2019, Bộ Công Thương cho biết, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng do 3 nguyên nhân.
Thời tiết nắng nóng góp phần làm tăng chi phí điện (ảnh: Internet)
Thời tiết nắng nóng góp phần làm tăng chi phí điện (ảnh: Internet)

Thứ nhất là do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao. Thứ hai là do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%. Thứ ba là do kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3/2019.

Về kiểm tra hoạt động niêm yết công khai giá, công tác ghi chỉ số công tơ, công tác chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện, Bộ Công Thương khẳng định, kết quả kiểm tra thực tế công tác niêm yết công khai giá điện mới theo Quyết định số 648/QĐ-BCT đã được các đơn vị thực hiện đúng quy định, đảm bảo thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến khách hàng kịp thời. Công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện (trong tháng thay đổi giá), áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện được các đơn vị thực hiện theo đúng quy trình kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các hướng dẫn liên quan.

Kết quả kiểm tra thực tế khách hàng sử dụng điện sản xuất, kinh doanh cho thấy, việc chốt chỉ số công tơ, phát hành hóa đơn tiền điện được các tổng công ty điện lực và công ty điện lực thực hiện đúng quy định. Để hạn chế ảnh hưởng của việc tăng giá điện đến sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã nghiên cứu, chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh như: Thay thế, sử dụng đèn tiết kiệm điện; sử dụng điều hòa nhiệt độ ở nhiệt độ phù hợp; cải tiến, thay thế các thiết bị tiêu hao nhiều điện; bố trí lại và tối ưu hóa quá trình sản xuất để nâng cao hiệu quả sử dụng điện.

Công tác kinh doanh dịch vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện cũng được các Trung tâm Chăm sóc khách hàng của các tổng công ty điện lực, công ty điện lực và các đơn vị chuẩn bị kỹ càng, có kế hoạch đầy đủ.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị thực hiện Quyết định 648/QĐ-TTg với việc: Phối hợp với các bộ, ngành liên quan cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí để có thông tin chính thức về các nội dung thắc mắc về điều chỉnh, áp dụng giá bán lẻ điện; chỉ đạo EVN thống kê chi tiết thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trên cả nước, từ đó nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ phù hợp với đại bộ phận khách hàng sử dụng điện trên cả nước, đồng thời khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả…

Cũng tại báo cáo này, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc điều chỉnh giá điện một cách chính xác, khách quan. Giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu tài chính của EVN, thông tin đầy đủ đến cơ quan báo chí về các chỉ tiêu tài chính, quản lý dòng tiền của EVN theo đúng quy định hiện hành; khẩn trương tái cơ cấu EVN.

Đồng thời, Bộ Công Thương với chức năng quản lý nhà nước về ngành điện sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với các khách hàng điện sinh hoạt, hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ; khuyến khích sử dụng tiện tiết kiệm và hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành thị trường điện bán lẻ cạnh tranh vào năm 2021.

Chuyên đề