Bình Thuận cần đi sâu phát triển lĩnh vực công nghiệp thế mạnh

Phát biểu kết luận cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận vào trưa 15/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị địa phương cần tập trung đi sâu vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, nhất là năng lượng, ưu tiên năng lượng sạch, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bình Thuận tập trung đi sâu vào các lĩnh vực thế mạnh, nhất là năng lượng, ưu tiên năng lượng sạch. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bình Thuận tập trung đi sâu vào các lĩnh vực thế mạnh, nhất là năng lượng, ưu tiên năng lượng sạch. Ảnh: VGP

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận tại cuộc làm việc, trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Đến thời điểm này, tất cả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,08% (kế hoạch 7%); du lịch phát triển mạnh, khách lưu trú đạt trên 5,1 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ 2016, trong đó khách quốc tế trên 585.000 lượt, tăng 15%, doanh thu tăng trên 19%; kim ngạch xuất khẩu tăng 12,4%; thu ngân sách nhà nước đạt 9.300 tỷ đồng, bằng 115,9% dự toán, tăng 2,5%; thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách và vốn đầu tư nước ngoài thêm khởi sắc khi tỉnh có thêm 10 dự án khởi công và 20 dự án đi vào hoạt động; tỉ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom xử lý 92%; 100% khu công nghiệp có hệ thống nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo... được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng gặp một số khó khăn trong phát triển như sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp hơn năm 2016; việc huy động nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng còn hạn chế; tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm; thu hút đầu tư mới còn gặp nhiều khó khăn.

Tỉnh cũng chưa khai thác đầy đủ, hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng dịch vụ chưa cao; sự chồng lấn giữa quy hoạch phát triển du lịch với các ngành khác (trong đó có khai thác titan) chậm được tháo gỡ…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương nỗ lực và những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận trong những năm qua, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của vùng và cả nước.

Cơ bản thống nhất với định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018 và trong những năm tiếp theo của lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã lưu ý thêm một số nhóm nhiệm vụ chính cần triển khai thực hiện.

Trước hết, Bình Thuận cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và cơ cấu nội ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

“Cần ưu tiên nhiệm vụ tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ thực sự cạnh tranh, lấy thị trường nội địa làm trung tâm, hướng đến thị trường quốc tế”, Phó Thủ tướng nói.

“Phát triển công nghiệp cần tập trung đi sâu vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, nhất là năng lượng, ưu tiên năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), tuyệt đối không để ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại nông nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao cùng với tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị địa phương cần tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và các quy hoạch ngành, gắn quy hoạch với tái cấu trúc nền kinh tế của tỉnh, trong mối liên kết với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước.

Trên cơ sở quy hoạch, phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; trong đó xác định rõ lộ trình và cơ cấu sử dụng các nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Từ đó xác định các dự án ưu tiên để triển khai thực hiện.

“Tỉnh cần tập trung và huy động các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, đường ven biển), hạ tầng đô thị và hạ tầng du lịch. Quan tâm kêu gọi nhà đầu tư lớn đầu tư vào hạ tầng du lịch, tạo bước đột phá đồng thời thu hút nhiều nhà đầu tư nhỏ nhằm phát triển toàn diện ngành du lịch của tỉnh”, Phó Thủ tướng nói.

Tỉnh Bình Thuận cũng cần phối hợp tốt với các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá để điều chỉnh Quy hoạch dự trữ, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan với bước đi và lộ trình hợp lý để bảo đảm khả thi, hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển hài hòa với các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội có liên quan trên địa bàn.

Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị tỉnh Bình Thuận cần chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù riêng phù hợp để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đi đôi với phát triển số lượng và chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng tích cực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương, của vùng, cả nước và xuất khẩu lao động.

Bình Thuận cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, nhằm tháo gỡ vướng mắc, rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nghe lãnh đạo địa phương, các bộ, ngành phát biểu trước khi kết luận, giải quyết những kiến nghị của địa phương.

Chuyên đề