Bí thư Đà Nẵng yêu cầu gỡ hàng rào chặn lối xuống biển của dân

Ông Trương Quang Nghĩa chỉ đạo chính quyền địa phương mở lối đi chung cho người dân đi bộ, đạp xe dọc theo bãi biển Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa (bìa phải) xem bản đồ dự án nghỉ dưỡng ở Nam Ô và chỉ đạo tháo gỡ ngay hàng rào chắn sát mép biển.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa (bìa phải) xem bản đồ dự án nghỉ dưỡng ở Nam Ô và chỉ đạo tháo gỡ ngay hàng rào chắn sát mép biển.

10h30 ngày 22/3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đi thị sát dự án Lancaster Nam O Resort ở cuối đường biển Nguyễn Tất Thành (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), sau khi người dân phản đối việc bảo vệ đóng chặt lối xuống ghềnh đá Nam Ô.

Không chờ nghe địa phương và các sở ngành báo cáo, Bí thư Đà Nẵng cho rằng việc chủ đầu tư chưa được cấp giấy phép xây dựng, nhưng đã lập hàng rào bít kín gần 3 km khu dân cư với biển là không đúng. Chính quyền phường Hòa Hiệp Nam có lỗi khi hỗ trợ doanh nghiệp lập hàng rào ngăn lối xuống biển.

Phó chủ tịch quận Liên Chiểu Nguyễn Hữu Thiết nói, gần đây có nhiều du khách và các đoàn học sinh đến cắm trại dịp 26/3, trong khi thời gian qua một số học sinh đã bị đuối nước khi tắm biển ở đây nên địa phương lo ngại việc tụ tập đông người sẽ không an toàn; từ đó đồng ý cho doanh nghiệp đóng lối xuống ghềnh đá.

Không hài lòng với giải thích này, Bí thư Trương Quang Nghĩa cho rằng mùa hè là dịp ghềnh đá lên rêu, người dân đến tham quan, chụp ảnh nhiều nhưng lại bị ngăn cấm. Đáng ra, khi người dân tìm đến, chính quyền phải lắp biển cảnh báo, tăng cường người bảo vệ.

"Không thể tư duy theo lối mòn là không quản lý được thì cấm. Cấm để an toàn cho mình, chứ đâu có phải vì sự an toàn của người dân. Chính quyền không thể nói cấm dân xuống biển là do nguy hiểm. Mà việc cấm này là để phục vụ doanh nghiệp", ông Nghĩa nói.

Bí thư Đà Nẵng cho rằng việc giao hết đất, giao cả rừng Nam Ô cho chủ đầu tư bọc kín hết biển là không được, hạn chế phát triển không gian đô thị; không thể để khi xây dựng xong dự án, toàn bộ khu dân cư không còn đường đi xuống biển.

"Không gian ven biển phải dành cho cộng đồng. Không được rào đến gần sát mép nước như thế này để làm dự án", ông Nghĩa nói và chỉ đạo chính quyền quận Liên Chiểu yêu cầu Tập đoàn Trung Thủy dỡ bỏ ngay hàng rào chắn bãi cát ở cuối tuyến biển Nguyễn Tất Thành dẫn vào dự án.

Lãnh đạo Thành ủy cũng nêu rõ, quy hoạch chỉ dành một lối đi 4 m cho người dân địa phương là không đáp ứng hết như cầu của cả một khu dân cư đông đúc. Ông yêu cầu các ngành liên quan điều chỉnh lại quy hoạch, theo hướng chừa một lối đi từ bờ biển vào 50 m cho cộng đồng.

Bí thư Trương Quang Nghĩa trực tiếp đi vào khu vực dự án, yêu cầu phải mở lối đi chung ở ranh giới giữa dự án với biển.

"Dự án này chưa triển khai xây dựng thì còn điều chỉnh được", ông Nghĩa nói và cho biết không chỉ riêng ở dự án Lancaster Nam O Resort, mà Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất tất cả những khu nghỉ dưỡng đã xây dựng ven bãi biển của Đà Nẵng đều phải lấy chính ranh giới giữa đất dự án ra tới bãi biển để mở lối chung cho người dân đi bộ, đạp xe.

"Không thế mặc định đất của dự án là đi thẳng xuống mặt biển. Cộng đồng phải có quyền tiếp cận biển bất cứ lúc nào", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trước đó trưa 20/3, bảo vệ dự án Lancaster Nam O Resort đã bất ngờ đóng lối đi xuống ghềnh đá Nam Ô. Khi nhiều người dân trong vùng tập trung phản đối thì cánh cửa sắt được mở lại. Tại quận Ngũ Hành Sơn, 12 km bờ biển đã giao hết cho doanh nghiệp làm dự án nghỉ dưỡng, chính quyền Đà Nẵng đang phải thương lượng để chủ đầu tư dành lại một số lối xuống biển cho dân.

Chuyên đề