Báo động năng suất lao động của Việt Nam

(BĐT) - Các nền kinh tế trên thế giới đã qua thời kỳ cạnh tranh nhau dựa trên khả năng sẵn có về yếu tố sản xuất. Khi bước sang giai đoạn năng lực cạnh tranh chủ yếu dựa vào các yếu tố nâng cao hiệu quả thì chất lượng và năng suất lao động (NSLĐ) đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, có khoảng cách lớn so với nhu cầu của nền kinh tế và so với các nước trong khu vực ASEAN và các nước khác. Ảnh: Tường Lâm
Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, có khoảng cách lớn so với nhu cầu của nền kinh tế và so với các nước trong khu vực ASEAN và các nước khác. Ảnh: Tường Lâm

Tại Hội thảo mới đây với chủ đề "Cải cách quốc gia và phát triển bền vững Đông Nam Á", việc cải thiện chất lượng lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được các chuyên gia đưa ra phân tích, đánh giá, từ đó có những đề xuất chính sách cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Dân số vàng nhưng chất lượng nhân lực thấp

Nhận định về nguồn nhân lực của Việt Nam và vấn đề nâng cao NSLĐ, PGS. TS. Nguyễn Lan Hương, Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam đang ở trong thời kỳ có cơ cấu dân số vàng với nguồn nhân lực dồi dào, trẻ tuổi, thời kỳ có cơ hội để tạo ra những bước phát triển  kinh tế-xã hội, tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, có khoảng cách lớn so với nhu cầu của nền kinh tế và so với các nước trong khu vực ASEAN và các nước khác. Nguồn nhân lực có sự thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ tay nghề cao và công nhân kỹ thuật lành nghề khiến cho chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới vào năm 2014 chỉ đạt 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73/133 nước được xếp hạng.

Sự đánh giá này không phải là không có cơ sở khi nhìn vào các tiêu chí quan trọng để đánh giá nguồn nhân lực như trình độ tay nghề cao, khả năng tiếp thu nhanh chóng, sáng tạo và làm chủ công nghệ, khả năng làm việc theo nhóm, tính chịu trách nhiệm, khả năng nắm bắt và giao tiếp với khách hàng, khả năng chuyển đổi nghề linh hoạt... với các nhân tố mới như tình trạng thể lực, tình trạng việc làm; mức độ giải phóng con người và cơ hội không ngừng vươn lên thì NSLĐ của Việt Nam vẫn được đánh giá thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Năm 2015, NSLĐ Việt Nam thấp hơn NSLĐ của Singapore gần 17 lần, thấp hơn NSLĐ của Nhật Bản 11 lần, thấp hơn NSLĐ của Hàn Quốc 10 lần, bằng 1/5 NSLĐ của Malaysia và 2/5 NSLĐ của Thái Lan. Trong khi đó, các nền kinh tế kém phát triển hơn lại có tốc độ tăng NSLĐ cao hơn so với Việt Nam như NSLĐ của Lào từ bằng 0,93 lần của Việt Nam năm 2008, tuy nhiên đã đuổi kịp Việt Nam vào năm 2015; năm 2008, NSLĐ của Myamar bằng 0,51 lần NSLĐ của Việt Nam, tăng lên bằng 0,55 lần năm 2015.

"Thu hẹp khoảng cách tương đối về NSLĐ của Việt Nam so với các nước phát triển hơn trong khối ASEAN là thành tựu đáng ghi nhận, nhưng việc NSLĐ của các nước kém phát triển hơn dần bắt kịp NSLĐ của Việt Nam cho thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn yếu và nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế là khá rõ" - PGS. TS. Nguyễn Lan Hương bày tỏ quan điểm.

Cải thiện chất lượng lao động như thế nào?

Kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân từ 6,5% - 7%/năm; việc làm tăng bình quân 0,7 triệu việc làm/năm, tương đương 1,3%/năm. Kết quả là NSLĐ dự kiến tăng ở mức bình quân khoảng 6%/năm.

Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, khi các nước bước sang giai đoạn năng lực cạnh tranh chủ yếu dựa vào các yếu tố nâng cao hiệu quả thì chất lượng lao động đóng vai trò là một trụ cột quan trọng, là động lực chính. Các nước bước sang giai đoạn phát triển này phải bắt đầu phát triển quy trình sản xuất hiệu quả hơn và tăng chất lượng sản phẩm do mức lương đã tăng lên nhưng không thể tăng giá. Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2016 - 2017 cho thấy vấn đề về lực lượng lao động không được đào tạo đầy đủ đang gây cản trở lớn nhất.

Dựa trên những phân tích đó, bà Tuệ Anh khuyến nghị, cần đổi mới phương thức đào tạo, từ đào tạo nghề đến đào tạo đại học và trên đại học theo các thông lệ, thực tiễn tốt của quốc tế. Cần tăng hợp tác với các nước, nhất là các nước Châu Á (ví dụ Hàn Quốc, Nhật Bản) về đào tạo nghề, đào tạo đại học, nâng cao trình độ cho giáo viên, chuyển giao chương trình đào tạo, sửa đổi giáo trình, tăng thời lượng kiến thực thực hành, ngoại ngữ, tăng kiến thức về kỷ luật, lao động.

Bên cạnh đó, nên có chính sách ưu tiên nguồn lực nhà nước cho đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo ở những ngành Việt Nam ưu tiên phát triển, có khả năng lan tỏa về công nghệ và năng suất (như công nghệ thông tin, kỹ thuật số…) với mục tiêu cụ thể và có chỉ tiêu định lượng gắn với phát triển của ngành được ưu tiên để đánh giá hiệu quả và giám sát. Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động có trình độ bằng chính sách đãi ngộ được thực hiện công bằng và minh bạch, thu hút Việt Kiều, lao động trình độ cao ở nước ngoài về đào tạo, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật cho viện, trường, lao động trong nước.

Với góc tiếp cận của mình, PGS. TS. Nguyễn Lan Hương lại cho rằng, cần đẩy nhanh và tiếp tục thực hiện chương trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để kinh tế tư nhân trở thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế; đồng thời, chú trọng thúc đẩy chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững để chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động từ ngành, công đoạn tạo giá trị gia tăng thấp sang ngành, công đoạn tạo giá trị gia tăng cao hơn.

Ở khía cạnh vĩ mô hơn, bà Hương đề xuất xây dựng chiến lược nguồn nhân lực theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu (từ nay - 2020) dựa vào chiến lược phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, hướng về xuất khẩu, phát huy được các lợi thế so sánh và tiềm năng của lực lượng lao động nhưng dần xóa bỏ sự phụ thuộc vào lao động giá rẻ, kỹ năng thấp và khai thác tài nguyên thô.

Giai đoạn sau (2021 - 2030) thị trường lao động tập trung vào nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ yêu cầu công nghệ và kỹ năng cao nhằm đạt mức năng suất lao động trung bình trong khu vực.

Chuyên đề