Ban bí thư được phân công, bổ sung như thế nào trong hơn 2 năm qua?

Kể từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng (tháng 1/2016) đến nay, Ban bí thư đã hai lần được bầu bổ sung.
Từ trái qua: Các Ủy viên Ban bí thư được bầu bổ sung tháng 10/2017 và tháng 5/2018, gồm các ông: Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Trạc; Trần Thanh Mẫn, Trần Cẩm Tú.
Từ trái qua: Các Ủy viên Ban bí thư được bầu bổ sung tháng 10/2017 và tháng 5/2018, gồm các ông: Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Trạc; Trần Thanh Mẫn, Trần Cẩm Tú.

Ngày 9/5, Ban bí thư khóa XII được bầu bổ sung thêm hai ủy viên là ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Trần Cẩm Tú - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Theo quy định hiện hành, Ban bí thư được thành lập gồm Tổng bí thư, một số Uỷ viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số Uỷ viên Ban bí thư do Ban chấp hành Trung ương bầu trong số các Uỷ viên Trung ương.

Cụ thể, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương khóa XII, ngày 27/1/2016, Trung ương đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư khóa XI, tái cử Tổng bí thư khóa XII; bầu 3 người vào Ban bí thư là: Thượng tướng Lương Cường - Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam (hiện là Chủ nhiệm Tổng cục); ông Nguyễn Văn Nên - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (hiện là Chánh văn phòng Trung ương Đảng) và ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (hiện là Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao).

Đến ngày 4/2/2016, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký quyết định phân công 6 Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Ban bí thư khóa XII, gồm: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; ông Đinh Thế Huynh - Thường trực Ban bí thư; ông Trần Quốc Vượng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương; ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; bà Trương Thị Mai - Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương vào tháng 4/2016, hai tháng sau, ông Nguyễn Văn Bình được Bộ chính trị phân công tham gia Ban bí thư.

Như vậy, đến thời điểm tháng 6/2016, Ban bí thư Trung ương Đảng khóa XII có 10 thành viên.

Ông Trần Quốc Vượng giữ chức Thường trực Ban bí thư

Ngày 1/8/2017, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về việc phân công cán bộ tham gia Thường trực Ban bí thư. Theo đó, trong thời gian ông Đinh Thế Huynh điều trị bệnh, Bộ Chính trị phân công ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tham gia thường trực Ban bí thư.

Tiếp đó trong cuộc họp ngày 2/3, Bộ Chính trị đã quyết định ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021 thôi giữ chức vụ Thường trực Ban bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021 để tiếp tục chữa bệnh dài hạn.

Bộ Chính trị cũng quyết định ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành viên Thường trực Ban bí thư, giữ chức Thường trực Ban bí thư.

Bầu bổ sung 4 ủy viên

Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) tháng 10/2017, Trung ương đã bầu bổ sung hai Ủy viên Ban bí thư, gồm: Ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) ngày 9/5, Trung ương đã bầu bổ sung thêm hai ủy viên Ban bí thư là ông Trần Thanh Mẫn và ông Trần Cẩm Tú như nêu trên.

Ban bí thư lãnh đạo công việc hằng ngày của Đảng; chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và công tác quần chúng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chỉ đạo sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị; quyết định một số vấn đề về tổ chức, cán bộ và một số vấn đề khác theo sự phân công của Ban chấp hành Trung ương; chỉ đạo hoặc kiểm tra việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ Chính trị thảo luận và quyết định.

Chuyên đề