Bài toán thu hút người tài

(BĐT) - Ngày xưa, khi vua Hùng Vương thứ 6 cầu người tài đánh giặc, cứu nước, Thánh Gióng đã xuất hiện. Ngày nay cũng vậy, ở đâu cầu về người tài, ở đó người tài cũng sẽ xuất hiện.
Các doanh nghiệp tư nhân sẽ làm tất cả trong điều kiện có thể của mình để thu hút người tài. Ảnh: Trương Gia
Các doanh nghiệp tư nhân sẽ làm tất cả trong điều kiện có thể của mình để thu hút người tài. Ảnh: Trương Gia

Cạnh tranh là cơ chế để tạo ra cầu về người tài. Cầu về người tài làm xuất hiện người tài.

Trong đời sống kinh tế, cơ chế thị trường đã tạo ra cạnh tranh. Và cầu về người tài nhờ đó đã xuất hiện. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, thu hút người tài là một nhu cầu khách quan. Nhà nước không cần phải làm gì ở đây cả. Các doanh nghiệp tư nhân sẽ làm tất cả trong điều kiện có thể của mình để thu hút người tài. Nguyên tắc là “Bạn trả cho thứ bạn mua”, người càng tài giỏi thì càng được trả lương cao để thu hút. Thậm chí, xuất hiện hàng loạt công ty cung cấp dịch vụ “săn đầu người” để tìm kiếm và cung cấp người tài cho các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp nhà nước đang đứng trước một thách thức hết sức to lớn. Đó là khả năng thu hút người tài, hay chính xác hơn là khả năng thu hút người tài của các doanh nghiệp này rất hạn chế. Thực ra, trong môi trường cạnh tranh, các doanh nghiệp nhà nước cũng có nhu cầu phải thu hút được người tài. Tuy nhiên, do những ràng buộc về cơ chế, chính sách và thủ tục, việc thu hút người tài vào các doanh nghiệp nhà nước là hết sức khó khăn. Có thể đây là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, năng lực cạnh tranh càng ngày càng suy giảm. Vấn đề đặt ra là phải gỡ bỏ những trói buộc bất hợp lý, để các doanh nghiệp nhà nước có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp FDI trong việc thu hút người tài. Bảo đảm quyền tự chủ cho các doanh nghiệp nhà nước không chỉ trong sản xuất, kinh doanh, mà còn cả trong việc tuyển dụng và trả lương cho người tài là rất quan trọng ở đây.

Trong đời sống chính trị, một cơ chế cạnh tranh như thế nào đó cũng cần được thiết kế để cầu về người tài có thể xuất hiện. Trước hết, để có các chính khách tài giỏi thì phải có tranh cử ở trong Đảng. Tranh cử là cơ chế để tạo ra cầu về người tài ở đây. Trong mô hình một Đảng lãnh đạo như ở nước ta, không có chuyện cạnh tranh giữa các đảng phái. Tuy nhiên, tranh cử trong nội bộ Đảng thì hoàn toàn có thể thiết kế được. Những người tranh cử các chức danh lãnh đạo sẽ phải đề ra được chương trình hành động để hiện thực hóa các lý tưởng của Đảng và phải chứng minh được chương trình của mình là đúng đắn và có tính khả thi cao.

Để có được các công chức tài giỏi thì phải tổ chức thi tuyển một cách nghiêm ngặt và công bằng. Cầu về người tài trong lĩnh vực hành chính - công vụ sẽ xuất hiện khi chế độ trách nhiệm được xác lập một cách rõ ràng. Khi một quan chức hành chính được giao nhiệm vụ thì hoàn thành nhiệm vụ đó là trách nhiệm cao nhất. Không hoàn thành nhiệm vụ thì mất chức là cơ chế để bảo đảm chế độ trách nhiệm hành chính. Để hoàn thành nhiệm vụ thì lại phải có được những người tài trợ giúp cho mình. Như vậy, nhu cầu tuyển dụng cho được người tài sẽ phát sinh. Vấn đề quan trọng ở đây là trách nhiệm phải được thiết kế đi đôi với thẩm quyền. Được giao nhiệm vụ thì cũng phải được giao quyền lựa chọn nhân sự để triển khai nhiệm vụ đó. Nếu chỉ được giao nhiệm vụ, mà lại không được giao quyền lựa chọn nhân sự, thì cầu về người tài cũng sẽ chẳng phát sinh.

Cạnh trạnh tạo ra cầu về người tài. Nhưng cạnh tranh như thế nào sẽ tạo ra cầu về người tài như thế ấy. Thiên thần cũng tài, và quỷ Xa tăng cũng tài. Cạnh tranh về sự tốt đẹp sẽ tạo ra cầu về thiên thần. Cạnh tranh về thủ đoạn sẽ tạo ra quỷ Xa tăng. Bảo đảm luật chơi trong cạnh tranh vì vậy cũng rất quan trọng. Trong đời sống kinh tế, luật chơi phải là cạnh tranh để cung cấp hàng hóa và dịch vụ tốt hơn và rẻ hơn. Trong đời sống chính trị, luật chơi phải là cạnh tranh để phụng sự quốc gia, phụng sự người dân nhiều hơn và tốt hơn.

Chuyên đề