APEC 2017: Cơ hội nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC năm 2017 sắp diễn ra vào ngày 10-15/9 tại TP.HCM sẽ đóng góp vào các hoạt động phong phú, đa dạng của năm APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam.
DNNVV Việt Nam tiếp cận thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.  Ảnh minh hoạ: TTXVN
DNNVV Việt Nam tiếp cận thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Là một sự kiện quan trọng của năm APEC 2017, Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 10 -15/9.

Sự kiện thu hút khoảng 200 đại biểu là đại diện doanh nghiệp và các nền kinh tế APEC. Với rất nhiều thông tin được chia sẻ, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, đây là cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều trở ngại

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù chiếm đến hơn 97% về số lượng, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm chưa đến 40% tổng tài sản; trong khi các doanh nghiệp quy mô lớn chiếm chưa đến 3% nhưng nắm giữ đến 60% tổng tài sản của toàn bộ khối doanh nghiệp.

Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp trên 40% GDP, thu hút hơn 50% tổng số lao động và chiếm 17,26% tổng nộp ngân sách nhà nước. Cho đến nay, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập vẫn có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, lâu nay, khối doanh nghiệp này chưa có được sự hỗ trợ đúng mức để đạt được sự phát triển tối ưu.

Cụ thể, hơn 80% chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động. Một số chương trình mới dừng ở mức ước tính tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia, thậm chí có chương trình không thể đánh giá được mức độ tham gia của các doanh nghiệp...

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất cần vốn, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo ông Thân, nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa có được nguồn vốn hỗ trợ, họ sẽ tránh được thế bị động. Vì thế, ông mong muốn nhà nước tạo điều kiện để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi và được hưởng cơ chế thông thoáng trong hoạt động kinh doanh.

Không những chỉ gặp khó khăn về việc tiếp cận vốn tín dụng, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp rất nhiều khó khăn về tiếp cận đất đai và tiếp cận thị trường. Đặc biệt, ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phòng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù Việt Nam có tới gần 300 khu công nghiệp được thành lập, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó là những trở ngại về môi trường kinh doanh chưa minh bạch, thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực chất lượng chưa cao, trình độ quản lý còn hạn chế. Rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay là thiếu vốn để khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng gặp khó khăn do môi trường kinh doanh tại Việt Nam có quá nhiều chi phí chính thức và phi chính thức; trong đó, chi phí chính thức tại Việt Nam được đánh giá là cao hơn so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, song chi phí phi chính thức lại được cho rằng cao hơn rất nhiều chi phí chính thức. Đây là những rào cản rất lớn, hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cần chính sách và hành động hỗ trợ hiệu quả

Cục trưởng Hồ Sỹ Hùng cho biết, Việt Nam cũng như các quốc gia khác, ngày càng nhận thấy rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành và cố gắng thực thi nhiều chính sách, chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nếu điểm theo chính sách, thì nội dung hỗ trợ đã thể hiện tính toàn diện và đa dạng, từ hoàn thiện về môi trường kinh doanh thông qua cải cách các lĩnh vực đầu tư, thương mại, hải quan, thuế... đến các chính sách hỗ trợ cụ thể về tài chính, tín dụng, công nghệ, xúc tiến thương mại, phát triển nguồn nhân lực…

“Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tác động của chính sách, của hành động trợ giúp vẫn chưa thật sự rõ, chưa tạo ra những chuyển biến và thay đổi cho nền kinh tế”, Cục trưởng Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh.

Những yêu cầu khách quan và chủ quan trong thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy cần có những đổi mới trong chính sách cũng như phương thức trợ giúp phát triển nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thể hiện chủ trương nhất quán về phát triển kinh tế tư nhân.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chính thức được Quốc hội bấm nút thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV diễn ra vào tháng 5/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế tự chủ trong thời gian tới.

"Có thể nói, đây là luật đầu tiên ở Việt Nam chuyên về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo khung pháp lý có hiệu lực cao nhất hiện nay, làm căn cứ cho triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc”, Cục trưởng Hồ Sỹ Hùng khẳng định.

Luật đã thể hiện sự thay đổi căn bản quan điểm từ Chính phủ quản lý, sang Chính phủ hỗ trợ, kiến tạo; khẳng định sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp với trách nhiệm cụ thể; thể hiện luật, chính sách do nhà nước ban hành, nhưng có sự tham dự tích cực của đối tượng chịu sự điều chỉnh…

Tăng cường cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp

Tuy nhiên, để khối doanh ngiệp nhỏ và vừa phát triển một cách mạnh mẽ, về lâu dài, các doanh nghiệp này cần có cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thúc đẩy năng lực sản xuất kinh doanh, phát triển hạ tầng thương mại cũng như mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ thông qua tạo điều kiện tiếp cận công nghệ, trình độ quản lý, hỗ trợ nâng cao năng lực qua đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh…

Với những nhu cầu cấp thiết đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC năm 2017 sắp diễn ra vào ngày 10-15/9 tại TP. Hồ Chí Minh sẽ đóng góp vào các hoạt động phong phú, đa dạng của năm APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam.

Đồng thời, qua đó, sẽ mang lại nhiều cơ hội để trao đổi, thảo luận, đưa ra những ý tưởng hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ APEC giúp nâng cao năng lực hội nhập của các địa phương và doanh nghiệp, góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế sâu rộng đang diễn ra.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu khai mạc tại Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC diễn ra vào ngày 15/9 tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội nghị Bộ trưởng về doanh nghiệp nhỏ và vừa lần này sẽ có ba chủ đề chính.

Đó là: Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; Thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ thông qua tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận công nghệ, trình độ quản lý, hỗ trợ nâng cao năng lực qua đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh; Đẩy mạnh tinh thần kinh doanh APEC trong kỷ nguyên số: thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp và tăng cường đạo đức kinh doanh.

Ông Hồ Sỹ Hùng biết, tuy quy mô chỉ gồm 200 đại biểu nhưng hội nghị sẽ là nơi trao đổi cởi mở nhiều vấn đề quan trọng; trong đó, dự kiến các đại biểu sẽ thông qua các văn kiện chính như tuyên bố APEC về thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp; Chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo; Báo cáo kiến nghị của Hội nghị Bộ trưởng tới Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017.

Các chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC năm nay phù hợp với chủ đề chung của năm APEC 2017 là tập trung vào khu vực doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là khu vực doanh nghiệp rất quan trọng và được ví như “xương sống” của các nền kinh tế trong khu vực ASEAN và Việt Nam, Cục trưởng Hồ Sỹ Hùng khẳng định.

Chuyên đề