Áp lộ trình nâng hạng 2 chỉ số “đo” mức độ thị trường

(BĐT) - Trong 10 chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh Việt Nam theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện còn 2 chỉ số thể hiện mức độ thị trường của nền kinh tế nhiều năm không được cải thiện, thậm chí tụt hạng với số điểm rất thấp. Nếu không cải thiện được các chỉ số này sẽ không giải phóng được sức sản xuất.
Doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội kinh doanh nếu tranh chấp kinh tế được giải quyết hiệu quả và nhanh chóng. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội kinh doanh nếu tranh chấp kinh tế được giải quyết hiệu quả và nhanh chóng. Ảnh: Lê Tiên

2 chỉ số “thụt lùi”

Sau 5 năm (2014 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 19, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, trong 10 chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh theo báo cáo của WB, có 2 chỉ số liên tiếp tụt hạng bởi chúng ta không có cải cách. Đó là Chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp (DN) và Chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng.

“Đây là những chỉ số căn bản thể hiện mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh nói riêng và của hệ thống thể chế kinh tế thị trường nói chung, song đáng tiếc là cả 2 chỉ số này không chỉ tụt hạng mà còn ở vị trí rất thấp trên Bảng xếp hạng, hay nói đúng hơn chính là rào cản trong việc nâng cấp trình độ thị trường của nền kinh tế Việt Nam”, ông Cung nói.

Theo Bảng xếp hạng Doing Business - Môi trường kinh doanh năm 2019 do Ngân hàng Thế giới công bố, Chỉ số giải quyết phá sản DN của Việt Nam đạt 34,93 điểm, giảm 0,23 điểm, xếp thứ 133/190 quốc gia, giảm 4 bậc trong Bảng xếp hạng. Đây cũng là chỉ số mà Việt Nam bị đánh giá thấp nhất trong 10 chỉ số được đánh giá tại Bảng xếp hạng.

Ông Cung cho rằng, Chỉ số giải quyết phá sản DN thấp đồng nghĩa với việc DN khó có thể giải quyết phá sản, môi trường kinh doanh trở nên bí bách, thậm chí méo mó. “Những DN đáng lẽ phải chết nhưng không chết được và những tài sản của DN cũng phải “án binh bất động” mà không được chuyển đến những dự án, con người quản lý tốt hơn, sớm hơn nhằm giải phóng sức sản xuất của nền kinh tế”, ông Cung phân tích thêm.

Chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng của Việt Nam cũng đứng gần cuối Bảng xếp hạng. Nếu tranh chấp kinh tế được giải quyết hiệu quả và nhanh chóng thì người dân, DN sẽ có thêm nhiều cơ hội kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển năng động hơn.

Tại Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19 và giới thiệu Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 diễn ra ngày 22/1, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, môi trường kinh doanh sẽ không thể thuận lợi nếu quyền hợp đồng, quyền tài sản cũng như tranh chấp hợp đồng hợp pháp của DN không được bảo hộ, giải quyết.

Điều tra của VCCI năm 2018 cho thấy, tỷ lệ DN khi có tranh chấp sẵn sàng khởi kiện ra tòa có phần sụt giảm, cho dù ngành tòa án đã có những cải cách nhất định. 

Cần cải cách thực chất

Nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết cải thiện 2 chỉ số trên, ông Nguyễn Đình Cung cho biết, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều lần có thư, công văn đề nghị ngành tòa án phối hợp với Chính phủ cùng các bên liên quan tìm cách cải thiện, song đến nay chưa nhận được phản hồi. “Riêng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng ký 2 công văn gửi Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị phối hợp, hợp tác để giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho DN, nhưng đến nay không nhận được trả lời”, ông Cung dẫn chứng.

Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm phối hợp với ngành tòa án cùng các bên liên quan tìm giải pháp cải thiện các chỉ số này. Nghị quyết số 02 /NQ-CP đặt mục tiêu từ nay đến năm 2021 nâng xếp hạng Chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng lên 8 - 12 bậc, riêng năm 2019 tăng ít nhất 3 bậc; nâng xếp hạng Chỉ số giải quyết phá sản DN lên 10 - 15 bậc, riêng năm 2019 tăng ít nhất 3 bậc.

Để đạt được những mục tiêu này, việc thực hiện cải cách của các bộ, ngành phải thực chất vì người dân, vì DN. “Hy vọng với sự vào cuộc của ngành tư pháp, thời gian tới, các chỉ số này sẽ có những chuyển biến tích cực”, ông Cung kỳ vọng.

Ngoài 2 chỉ số trên, bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng An Đô nêu rõ, việc cải cách thủ tục hành chính điện tử hiện nay vẫn nửa vời, gây khó cho DN. Điển hình như việc áp dụng hải quan điện tử, DN vẫn phải thực hiện thủ tục bằng giấy tờ. “Với thủ tục hoàn thuế, dù DN đã nộp hồ sơ trên mạng nhưng vẫn phải nộp bản giấy, thậm chí là phải nộp nhiều lần và có những bước tác động hữu hình mới được hoàn thuế để thu hồi vốn”.

Một số ý kiến khác nhấn mạnh yêu cầu cần thực hiện bài bản đối với cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành để tránh những điều kiện này “mọc” trở lại. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm của các bộ trưởng trong việc nâng hạng các chỉ số, tăng cường sự tham gia của cơ quan truyền thông thúc đẩy cải cách…

Chuyên đề