Âm hưởng bản hùng ca mùa đông

(BĐT) - Một ngày giáp Tết Đinh Dậu, tôi may mắn được trò chuyện với Trung tá Đặng Văn Tích – người mà cả cuộc đời đã gắn bó với Trung đoàn Thủ đô, được tôi luyện và lớn lên từ cuộc chiến đấu 60 ngày đêm quyết tử để bảo vệ Thủ đô Hà Nội.
Dân quân tự vệ Thủ đô
Dân quân tự vệ Thủ đô

Vừa chiến đấu, vừa trưởng thành

Ông Tích cho biết, sinh ra tại Hà Nội và điều ám ảnh suốt tuổi thơ ông là hình ảnh tượng đài lính Pháp cầm cây roi đánh vào 2 người phu Việt Nam đang oằn mình vác những bao tải nặng nề được dựng ở vườn hoa canh nông – vị trí của vườn hoa Lê Nin nằm đối diện với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội bây giờ. Ông đã tự hỏi lòng mình, tại sao ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội mà quân xâm lược lại ngang nhiên trưng bày, hạ nhục và uy hiếp tinh thần của người dân Việt Nam, của dân tộc mình đến như vậy? Chính vì thế, ngay sau khi đất nước giành được độc lập, thoát khỏi thân phận của một dân tộc bị nô lệ, áp bức, nhiều người Việt Nam, trong đó có ông rất háo hức mang tất cả sức lực, tính mạng của mình để bảo vệ những thành quả mà Cách mạng vừa giành được.

Âm hưởng bản hùng ca mùa đông ảnh 1
Trung tá Đặng Văn Tích
Ông Tích nhớ lại, tháng 12/1946, quân Pháp liên tục đàn áp và gây hấn đối với đồng bào ta ở Hà Nội bất chấp những thiện chí hòa bình của ta. Vì thế, dù thế và lực của quân và dân ta lúc đó rất yếu, không hề được đào tạo, huấn luyện nhưng không có con đường nào khác, phải đứng lên tự vệ, cầm cự với kẻ thù. Không chấp nhận việc khoanh tay, cúi đầu trở lại kiếp nô lệ, ngay sau khi nghe lời hiệu triệu của Bác Hồ vào tháng 12/1946, dù lúc đó mới 13 tuổi, ông và những người bạn đã xung phong đứng vào hàng ngũ khoảng 1.200 người quyết tử để bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Đội quân lúc đó của ông là Liên khu 1, đóng ở khu vực phố cổ, quận Hoàn Kiếm bây giờ, sau này được đổi tên là Trung đoàn Thủ đô.

Theo dự kiến ban đầu, đội quân Liên khu 1 chỉ gồm 500 người, đứng lại để cầm cự với quân Pháp và đội quân này được xác định sẽ là đội quân cảm tử vì trong thế bị bao vây, chặn đánh cao độ của quân Pháp. Tuy nhiên, số lượng người tham gia vào đội quân Liên khu 1 đã lên tới khoảng 1.200 người, trong đó có 200 phụ nữ và khoảng 175 trẻ em. Ông Tích cho biết: “Tuy nhỏ tuổi nhưng chúng tôi lại thông thuộc địa bàn ở khu vực Thủ đô nên việc liên lạc, tiếp viện khi giao cho chúng tôi thì rất hiệu quả. Chúng tôi có thể dẫn đường cho các chiến sĩ, di chuyển các vật phẩm tiếp viện mà không bị kẻ thù phát hiện”.

Nhớ về những ngày hào hùng bảo vệ Thủ đô Hà Nội năm ấy, ông Tích cho biết: “Dù không có vũ khí, không được đào tạo bài bản trong quân ngũ nhưng tôi và những đồng đội năm ấy đã kiên cường giam chân quân Pháp trong suốt 60 ngày đêm, hơn cả những kỳ vọng và dự định trước đó. Bản thân tôi đã vừa chiến đấu, vừa trưởng thành trong quân ngũ từ những ngày gian khó và ác liệt ấy, đó là những thời khắc thiêng liêng, quả cảm của đồng đội chiến sĩ mà tôi luôn khắc ghi. Ngày 14/1/1947, tôi và nhiều đồng đội mới làm lễ tuyên thệ theo nghi thức quân đội nhưng chúng tôi vẫn luôn xem ngày 19/12/1946 là ngày nhập ngũ, ngày đầu tiên tham gia vào đội quân quyết tử bảo vệ Thủ đô Hà Nội”. 

Tin tưởng vào sự giác ngộ của thế hệ trẻ

Trung tá Đặng Văn Tích người được tôi luyện và lớn lên từ cuộc chiến đấu 60 ngày đêm quyết tử để bảo vệ Thủ đô Hà Nội, tin rằng, thế hệ trẻ hôm nay, kế thừa truyền thống yêu nước của cha ông và không bị khuất phục bởi một kẻ thù lớn mạnh nào, sẽ tiếp tục làm rạng rỡ, vang mãi bản anh hùng ca mùa đông năm ấy.
Là một trong số ít những nhân chứng còn lại của bản anh hùng ca mùa đông 1946, 60 ngày đêm quyết tử bảo vệ Thủ đô Hà Nội, nhưng trò chuyện với chúng tôi, ông Tích vẫn rất khiêm tốn cho rằng, thế hệ của ông và những người bạn năm xưa chỉ có lòng yêu nước nồng nàn, không được đào tạo bài bản, được giáo dục giác ngộ cách mạng đầy đủ như thế hệ trẻ ngày hôm nay. Trên nền tảng của truyền thống anh hùng, bất khuất trong đánh giặc và giữ nước kiên cường, không chịu khuất phục của cha anh, ông tin rằng thế hệ trẻ hôm nay sẽ có đủ hành trang để xây dựng, bảo vệ đất nước Việt Nam to đẹp, giàu mạnh hơn.

Ông Tích cho biết, cả cuộc đời ông đã luôn gắn bó với Trung đoàn Thủ đô, từ lúc ông nhập ngũ năm 13 tuổi cho đến khi nghỉ hưu. Ông Tích cho rằng, ông đã rất may mắn khi được chiến đấu, trưởng thành và lớn lên trong quân ngũ, may mắn hơn nhiều người bạn đã phải ngã xuống trong những giờ khắc thiêng liêng bảo vệ Thủ đô trong mùa đông năm 1946. Cuộc đời ông cũng đã đi qua nhiều thăng trầm trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, chống Pháp và chống Mỹ rồi đến thời bình hiện nay. Và chính những trải nghiệm trong cuộc đời lại càng làm cho ông đặt niềm tin nhiều hơn vào thế hệ trẻ. Trong khi trò chuyện, ông luôn bày tỏ sự hài lòng và nhấn mạnh tới việc giác ngộ cách mạng của thế hệ trẻ hôm nay, ông có một niềm tin sâu sắc và mãnh liệt vào sự giác ngộ cách mạng của thế hệ trẻ, về khả năng xây dựng đất nước Việt Nam tươi sáng hơn, đẹp đẽ hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Theo nhìn nhận của ông Tích, trong những năm qua, Việt Nam đã có những quan hệ bình đẳng về kinh tế với Pháp, Mỹ nhưng về định hướng phát triển, chúng ta vẫn kiên định với con đường xã hội chủ nghĩa. Hơn 70 năm sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016) và gần 42 năm đất nước thống nhất, bộ mặt đất nước Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc, bản thân ông và thế hệ của những người như ông rất tin tưởng vào tương lai của đất nước. Ông tin rằng, thế hệ trẻ hôm nay sẽ kế thừa truyền thống yêu nước của cha ông và không bị khuất phục bởi một kẻ thù lớn mạnh nào. Và bản anh hùng ca mùa đông năm ấy sẽ sống mãi với thời gian.

Sập gụ, tủ chè cũng được mang ra làm chướng ngại vật ngăn cản địch

Chuyên đề