5 ứng viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương có đơn thư tố cáo

Trong 197 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 ở Trung ương có 5 ứng viên bị khiếu nại, tố cáo; trong đó một trường hợp cho kết quả tố cáo không có căn cứ; số còn lại đang được xem xét.

Sáng 14/4, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần ba. Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Bùi Thị Thanh cho biết, từ ngày 22/3 đến 12/4, Ban thường trực Ủy ban cấp xã đã phối hợp với UBND cùng cấp nơi có người ứng cử cư trú tổ chức việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú cho 197 người được giới thiệu. Các hội nghị lấy ý kiến được tổ chức công khai, dân chủ theo đúng thời gian quy định.

Hội nghị có số lượng cử tri tham dự ít nhất là 54 (phường 11, quận Tân Bình, TP HCM), hội nghị có số lượng cử tri tham dự đông nhất là 151 (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội).

Các ủy viên Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại hội nghị hiệp thương lần ba. Ảnh:Giang Huy

Kết quả tất cả ứng viên của cơ quan Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước đều được 100% cử tri nơi cư trú tín nhiệm. 30/31 người ở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được tín nhiệm 100%, chỉ một người được 98,6%. Không có các vụ việc cử tri nơi cư trú yêu cầu xác minh.

Tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, số lượng tham dự ít nhất là 7 (Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Bình Dương). Hội nghị có số lượng cử tri đông nhất là 630 (Học viện Quốc phòng). Kết quả 192 người được cư tri nơi công tác tín nhiệm 100%, 5 người 97,6-99,3%. Tất cả ứng viên không có các vấn đề, vụ việc nơi công tác cần phải xác minh.

Đến ngày 13/4, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận được 3 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến 5 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14 ở Trung ương. Ban thường trực đã gửi 4 trường hợp đến Hội đồng bầu cử quốc gia để giải quyết theo thẩm quyền và thông báo cho người gửi đơn; một trường hợp gửi đến cơ quan có trách nhiệm xác minh và đã có kết quả trả lời phản ánh của cử tri là không có căn cứ, vụ việc đã giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh:Giang Huy

Như vậy, kết quả tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với 197 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14 của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương hầu hết được 100% cử tri đồng ý, có 5 người được cử tri ở cơ quan tín nhiệm dưới 100% và 3 người được cử tri nơi cư trú tín nhiệm dưới 100%.

"Trên cơ sở kết quả tín nhiệm nơi công tác và nơi cư trú, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến trình Đoàn Chủ tịch và Hội nghị hiệp thương 197 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14 của các cơ quan ở Trung ương", bà Thanh cho hay.

Trước đó ngày 13/4, tại phiên họp thứ tư của Hội đồng bầu cử quốc gia được tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết, kết thúc hội nghị hiệp thương lần hai, tổng số người được lập danh sách ở Trung ương và địa phương là 1.146 (Trung ương 197, địa phương 949), trong đó có 154 người tự ứng cử.

Đến ngày 10/4 tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo đã nhận được 149 đơn, thư. Qua nghiên cứu, tiểu ban xác định 142 đơn, thư liên quan người ứng cử và công tác bầu cử, trong đó có 17 đơn tố cáo người ứng cử đại biểu Quốc hội thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý.

Ứng cử viên đại biểu Quốc hội phải trải qua quy trình thế nào. Đồ họa:Việt Chung.

Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng đề nghị Tiểu ban nhân sự giải quyết khiếu nại tố cáo cần xem xét hồ sơ bởi đây là khâu lâu nhất. Xem xét tư cách đại biểu là việc làm thận trọng nên cần giải quyết theo quy định của pháp luật; đồng thời bổ sung thông tin hoàn thiện hồ sơ người ứng cử để kịp giới thiệu cho cử tri.

Đồng tình với những kiến nghị của Mặt trận, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị một số thành viên trong Hội đồng bầu cử quốc gia có mặt tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba do Mặt trận tổ chức (ngày 14/4) để giải đáp pháp luật, khiếu nại tố cáo, chỉ đạo giải quyết đúng pháp luật, không được lòng vòng nếu không họ sẽ tiếp tục khiếu nại.

"Đơn thư nhận được thuộc cơ quan nào giải quyết như Thanh tra Chính phủ, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Bộ Công an thì có trách nhiệm xác minh, làm rõ”, bà Kim Ngân nhấn mạnh.

Chuyên đề