3 phương án lập cơ quan đại diện vốn nhà nước

(BĐT) - Tại Dự thảo Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước tại DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra 3 phương án thành lập cơ quan này với tên gọi dự kiến là “Ủy ban Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN”. 
Cơ quan chuyên trách dự kiến làm đại diện chủ sở hữu tại hơn 20 DNNN lớn trong lĩnh vực xăng dầu, hóa chất, bưu chính viễn thông… Ảnh: Lê Tiên
Cơ quan chuyên trách dự kiến làm đại diện chủ sở hữu tại hơn 20 DNNN lớn trong lĩnh vực xăng dầu, hóa chất, bưu chính viễn thông… Ảnh: Lê Tiên

Cơ quan này được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DNNN.

Chắc chắn không phải “siêu bộ”

Theo kế hoạch, cuối tháng 2 này, Bộ KH&ĐT sẽ trình Chính phủ Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN. Đây là Đề án thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới kinh tế, cộng đồng xã hội.

Theo Dự thảo Đề án, tổng giá trị tài sản của các DNNN đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước trên 1,3 triệu tỷ đồng, chưa kể phần vốn nhà nước tại các DN khác. Thời gian qua, số lượng DNNN giảm mạnh, nhưng khối lượng vốn nhà nước đầu tư tại DN còn rất lớn, thậm chí gia tăng về tổng giá trị. Vẫn xuất hiện sai phạm tại DNNN gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước. Công tác quản lý cán bộ quản lý doanh nghiệp từ phía cơ quan đại diện chủ sở hữu có những bất cập, chưa chặt chẽ…

Xu hướng từ nay tới năm 2020 và những năm tiếp theo, cổ phần hóa sẽ làm giảm số lượng DN 100% vốn nhà nước, nhưng giá trị vốn nhà nước tại DN còn rất lớn. Việc quản lý, giám sát một cách có hiệu quả, hiệu lực quá trình sử dụng nguồn lực to lớn, quan trọng này vẫn là yêu cầu khách quan và cần thiết. Do đó, Dự thảo Đề án đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu tại hơn 20 DNNN là các tập đoàn, tổng công ty lớn hiện nắm giữ khối tài sản lớn của Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu, hóa chất, bưu chính viễn thông…

Trước những ý kiến còn khác nhau cho rằng, việc thành lập cơ quan chuyên trách này sẽ tạo ra “siêu bộ”, “siêu quyền lực”, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Đó chỉ là suy nghĩ của một số người cho rằng, quản lý các tập đoàn, tổng công ty lớn thì cho đó là to, là “siêu”, nhưng thực tế chỉ giới hạn trong lĩnh vực chủ sở hữu. Do đó, cơ quan này chỉ thực hiện những quyền đã được quy định, chứ không hề có quyền gì mới. 

Đề xuất 3 phương án

Ông Trung cho biết, tại Dự thảo Đề án lần này, cơ quan soạn thảo đưa ra 3 phương án thành lập cơ quan chuyên trách để tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước theo chủ trương của Đảng, phù hợp với pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cải cách khu vực DNNN.

Phương án 1 là thành lập mới cơ quan thuộc Chính phủ trên cơ sở điều chuyển cán bộ có năng lực, phẩm chất từ các đơn vị đang làm nhiệm vụ quản lý, đổi mới, sắp xếp DNNN của một số bộ, cơ quan, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN. Phương án 2 là cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ được thành lập trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Phương án 3 là mô hình cơ quan chuyên trách là DN, tổ chức dưới hình thức công ty TNHH MTV do Chính phủ làm chủ sở hữu, hình thành trên cơ sở tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC.

Tại Dự thảo Đề án vừa hoàn thiện, Bộ KH&ĐT kiến nghị thành lập cơ quan chuyên trách theo phương án 1 nhưng có kết hợp các phương án trong cách thức thành lập cũng như cơ chế hoạt động. Bởi lẽ, theo phân tích, ở phương án 1 sẽ có ưu điểm là huy động được đội ngũ cán bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách; không chỉ tham mưu chiến lược, kế hoạch và chính sách sắp xếp, đổi mới DNNN, mà còn bao gồm cán bộ am hiểu ngành nghề chuyên sâu của các DN. Điều này là đặc biệt quan trọng khi cơ quan chuyên trách phải chịu trách nhiệm quản lý vốn nhà nước tại nhiều tập đoàn, tổng công ty và DN thuộc các ngành kinh tế - kỹ thuật khác nhau. Bên cạnh đó, tách bạch giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước…

Ở các phương án còn lại, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh ở nước ta, sẽ rất khó khăn trong thực hiện chuyển các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn về thuộc quyền quản lý của một DN như SCIC (thực chất trở thành công ty con của SCIC), nhất là trong mối quan hệ quản lý về công tác cán bộ. Về mặt kinh tế, phần lớn các tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng quyết định thành lập có quy mô lớn hơn nhiều so với SCIC.

Đối với những ý kiến còn khác nhau như tên gọi của cơ quan chuyên trách như: "Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN", "Ủy ban Đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN", "Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN", trong Dự thảo, Bộ KH&ĐT kiến nghị lấy tên gọi "Ủy ban Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN" để phù hợp với tên gọi của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN.

Chuyên đề