3 kịch bản tăng trưởng năm 2018

(BĐT) - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) vừa công bố 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2018. Ở kịch bản cao, tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt khoảng 7%, cao hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra (6,7%).
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nhiều điều kiện để khởi sắc

Theo NCIF, bước vào năm 2018, kinh tế Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng xuất phát cả từ trong và ngoài nước. Việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, môi trường kinh doanh cải thiện, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới được ký kết và có hiệu lực… sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2018.

Trên cơ sở đó, NCIF cho rằng tăng trưởng năm 2018 sẽ nhiều khả quan với 3 kịch bản đưa ra. Ở kịch bản trung bình (cơ sở), NCIF dự báo tăng trưởng năm nay có thể đạt mức 6,7%, lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 3,8%. TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo của NCIF cho rằng, đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất, trong đó giả thiết tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định, đầu tư của khu vực nhà nước tiếp tục cải thiện cả về tốc độ và hiệu quả, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục ổn định…

Đặc biệt, ở kịch bản cao, tăng trưởng có thể đạt khoảng 7%, lạm phát trung bình ở mức khoảng 4,8%. Với kịch bản này, theo NICF là ít có khả năng xảy ra, song có cơ sở để trở thành hiện thực nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản trung bình. Thêm vào đó, những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách và điều hành kinh tế, tháo gỡ được những nút thắt của nền kinh tế như: chính sách đất đai, tín dụng, bộ máy hành chính, qua đó đem lại môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển của cộng đồng doanh nghiệp… hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả tích cực, góp phần tăng khả năng đạt được mức tăng trưởng ở kịch bản cao này.

Còn ở kịch bản thấp được cho là ít khả năng xảy ra nhất, NCIF dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn năm 2017, khoảng 6,31%, lạm phát ở mức 4,2%.

Về xu hướng cụ thể trên các lĩnh vực, NCIF cho rằng có những triển vọng tích cực. Chẳng hạn, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhiều khả năng sẽ được cải thiện. Các DN Việt Nam có cơ hội phát triển với xu hướng tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi nhằm thích ứng với mức độ cạnh tranh ngày càng cao. Cùng với đó, hoạt động cổ phần hóa được đẩy mạnh, các quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đi vào thực tiễn sẽ giúp tiến trình minh bạch hóa thông tin đang dần trở nên rõ nét… Bên cạnh đó, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu… được dự báo tiếp tục có những yếu tố hỗ trợ.

Trước đó, nhiều tổ chức trong và ngoài nước cũng đưa ra những dự báo khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 như: Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo ở kịch bản cao tăng trưởng khoảng 6,8%; Ngân hàng ANZ dự báo tăng trưởng có thể đạt 6,8%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo ở mức 6,7%... 

Những giải pháp cốt yếu

Khá lạc quan trong đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 nhưng NCIF cũng cho rằng, nếu những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết dứt điểm có thể sẽ gây ra những khó khăn tiềm ẩn trong trung hạn. Do vậy, nhằm hạn chế những rủi ro, giúp nền kinh tế tăng trưởng đúng hướng, cần tập trung thực hiện 2 nhóm giải pháp cốt yếu: một là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định vĩ mô; hai là cần các giải pháp hiệu quả trong trợ giúp DN.

Ở nhóm giải pháp thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư và nâng cao hiệu quả thu hút cũng như sử dụng các nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy cầu tiêu dùng… Trong đó, Việt Nam cần tiếp tục tập trung xây dựng và thực hiện cơ cấu lại các trọng tâm gồm tái cơ cấu đầu tư công, DN nhà nước và các tổ chức tín dụng. Cùng với đó là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng các nguồn vốn đầu tư, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh giải pháp cần thực hiện nghiêm và đầy đủ các chính sách đã ban hành như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công… Khuyến khích đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế - xã hội thông qua cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Về nhóm giải pháp trợ giúp DN, NCIF nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN với việc có chế tài kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh các giấy phép con, thủ tục hành chính mới. Tạo điều kiện cho các DN có sự chuẩn bị tốt về công nghệ, vốn, thông tin và khả năng kết nối với DN FDI để đón đầu các FTA mới…

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, năm 2018, Chính phủ cần tiếp tục cơ cấu lại ngân sách, gắn với đó là công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình.

Chuyên đề