10 sự kiện kinh tế tiêu biểu 2018

(BĐT) - Năm 2018, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều tác động tiêu cực và nhiều thách thức, hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế, một số chỉ tiêu tăng vượt bậc. Báo Đấu thầu bình chọn 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại Lễ phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và ra mắt xe VINFAST vào ngày 20/11/2018 tại Hà Nội. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại Lễ phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và ra mắt xe VINFAST vào ngày 20/11/2018 tại Hà Nội. Ảnh: Hiếu Nguyễn

1. Tăng trưởng GDP cao nhất 11 năm qua, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

10 sự kiện kinh tế tiêu biểu  2018 ảnh 1

Trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.

2. Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Việt Nam lần đầu tiên mở cửa thị trường mua sắm công

10 sự kiện kinh tế tiêu biểu  2018 ảnh 2

Ngày 12/11/2018, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo đánh giá của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tham gia CPTPP, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. CPTPP cũng mở ra cơ hội tăng thu hút đầu tư. Vốn đầu tư trực tiếp của 10 nước thành viên CPTPP vào Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đối với lĩnh vực mua sắm công, đây là lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường này. Báo Đấu thầu được nêu tên tại Chương 15 của Hiệp định với vai trò là tờ báo được lựa chọn công khai thông tin mua sắm công trong nội khối CPTPP. Việc mở cửa thị trường mua sắm công vừa tạo nên cơ hội lớn cho nhà thầu Việt được tham gia vào một thị trường mua sắm chính phủ rộng lớn trong CPTPP với quy mô 11 nền kinh tế chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao trùm thị trường gần 500 triệu người và tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD. Đồng thời giúp các cơ quan mua sắm trong nước có cơ hội mua được hàng hóa với chất lượng tốt. Song bên cạnh đó, cũng đặt ra áp lực đòi hỏi cả nhà thầu, bên mời thầu, chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu phải nâng cao năng lực và tăng cường minh bạch.

3. Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

10 sự kiện kinh tế tiêu biểu  2018 ảnh 3

Ngày 4/10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài với chủ đề “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Tầm nhìn mới và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”.

Sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã có trên 27 nghìn dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 335 tỷ USD. Hiện nay, có gần 26.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD đến từ gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Intel, Nike... Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều đặt niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư này vẫn là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2018. Trong năm 2018, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017.

4. Thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

10 sự kiện kinh tế tiêu biểu  2018 ảnh 4

Được đánh giá là “Siêu Ủy ban”, cơ quan này ra đời với kỳ vọng giúp quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiệu quả hơn, vừa đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, hạn chế được tâm lý níu giữ của các bộ, ngành chủ quản vì sợ mất quyền lợi khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tính đến giữa tháng 11/2018, đã có 14 doanh nghiệp nhà nước hoàn tất bàn giao về Ủy ban. Trong đó phần lớn là các doanh nghiệp quy mô lớn như: Tổng công ty Đường sắt, Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc, Tổng công ty Cảng hàng không và Tổng công ty Hàng không (Bộ Giao thông - Vận tải); Vinaphone và MobiFone (Bộ Thông tin và Truyền thông), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (Bộ Tài chính); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Bộ Công Thương).

5. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng

10 sự kiện kinh tế tiêu biểu  2018 ảnh 5

Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả hơn 2.408 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2018 lên gần 165,3 nghìn doanh nghiệp.

6. Dữ trữ ngoại hối tăng cao

10 sự kiện kinh tế tiêu biểu  2018 ảnh 6

Trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục, tương đương 12 tuần nhập khẩu. Đây là kết quả của thặng dư thương mại, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư (ước đạt khoảng 3% GDP), dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) duy trì mua ròng. Dự trữ ngoại hối tăng cao là nền tảng cho ổn định tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

7. Xuất siêu lập kỷ lục, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10 -12% so với năm 2017

10 sự kiện kinh tế tiêu biểu  2018 ảnh 7

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2018 ước đạt khoảng 239 - 240 tỷ USD, tăng khoảng 10 -12% so với năm 2017. Cán cân thương mại thặng dư 7,4 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu nông sản với kim ngạch ước đạt 40 tỷ USD. Nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD như điện thoại và linh kiện; hàng dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép… Hàng chục mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có các mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam như tôm, cá tra, gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều, sắn, rau quả và lâm sản…

8. Vận hành thương mại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - Dự án lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam

10 sự kiện kinh tế tiêu biểu  2018 ảnh 8

Ngày 23/12/2018 đã diễn ra Lễ vận hành thương mại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa. Được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn năm 2008, Nhà máy có tổng vốn đăng ký đầu tư 9 tỷ USD, khởi công năm 2013. Sau quá trình xây dựng, đến tháng 6/2018, tất cả các phân xưởng công nghệ đã được khởi động thành công theo quy trình, cho ra nhiều dòng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu và cung cấp trong nước, trong đó có các sản phẩm như Ron 92, Ron 95, nhiên liệu máy bay, benzene, hạt nhựa PP, dầu diesel... Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn triển khai xây dựng và đưa vào vận hành giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Dự án này dự tính đóng góp cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa 8.000 tỷ đồng.

9. Xây dựng thương hiệu Việt chất lượng cao

10 sự kiện kinh tế tiêu biểu  2018 ảnh 9

Ngày 2/10/2018, tại Paris Motor Show diễn ra tại Pháp, VinFast - thương hiệu ô tô đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại - đã chính thức ra mắt. Việc VinFast có mặt tại Paris Motor Show 2018 - triển lãm ô tô danh tiếng trên thế giới là sự khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt và điền tên Việt Nam lên bản đồ công nghiệp chế tạo ô tô toàn cầu. Từ sự kiện ra mắt xe VinFast, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam". Phong trào được xem là bước tiếp theo của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau 9 năm phát động.

10. Nhiều doanh nghiệp vốn hóa hàng tỷ USD lên giao dịch trên thị trường chứng khoán

10 sự kiện kinh tế tiêu biểu  2018 ảnh 10

Năm 2018 là năm bùng nổ của nhiều doanh nghiệp tỷ USD lên sàn chứng khoán tập trung, vốn hóa thị trường cao kỷ lục. Một số doanh nghiệp quy mô lớn có thể kể đến như: Công ty CP Vinhomes (mã VHM, sàn HOSE), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (mã TCB, sàn HOSE), Ngân hàng TMCP HDBank (mã HDB, sàn HOSE). Bộ 3 ông lớn ngành dầu khí:  Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR, sàn UPCoM), Tổng công ty CP Dầu Việt Nam (mã OIL, sàn UPCoM), Tổng công ty CP Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã POW, sàn UPCoM) lên sàn chứng khoán tập trung đã thể hiện cam kết với nhà đầu tư kể từ khi thực hiện IPO vào cuối năm 2017.

Chuyên đề