VAMC đấu giá hai khoản nợ xấu gần 300 tỷ đồng

Hai khoản nợ xấu trị giá hơn 296 tỷ đồng được VAMC mua lại từ các ngân hàng thương mại và đem đấu giá.
VAMC đã xử lý được khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu kể từ khi thành lập đến nay.
VAMC đã xử lý được khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu kể từ khi thành lập đến nay.

Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa thông báo đấu giá tài sản là toàn bộ các khoản nợ xấu của Công ty cổ phần tập đoàn Đông Thiên Phú tại Agribank chi nhánh Sở Giao dịch. Thời gian đấu giá từ 31/8 - 21/9.

Đây là các khoản nợ xấu của khách hàng đã vay tại Agribank, bao gồm những khoản nợ đã bán sang VAMC thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt và các khoản nợ hiện hạch toán tại Agribank chi nhánh Sở Giao dịch. Giá khởi điểm của các khoản nợ này là 220,1 tỷ đồng.

Một khoản nợ xấu khác được VAMC đem bán đấu giá là tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của Công ty TNHH Thành phố Vàng của Agribank đã bán nợ sang VAMC, với giá khởi điểm 76,3 tỷ đồng. Đây là quyền sử dụng hơn 7.851m2 đất tại quận 9, TP HCM.

Trước đó, VAMC cũng thông báo bán đấu giá hàng loạt khoản nợ xấu "khủng" trị giá cả ngàn tỷ đồng sau khi đã mua từ các tổ chức tín dụng trong đó đình đám nhất là việc tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Sài Gòn One Tower với tổng dư nợ (gốc và lãi) lên trên 7.000 tỷ đồng

Mới đây, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý II, các tổ chức tín dụng đã xử lý hơn 138.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 70.230 tỷ (chiếm 50,8%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán gần 21.600 tỷ đồng (chiếm 15,6%) và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt gần 46.500 tỷ đồng (chiếm 33,6%).

Theo đánh giá của ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), thành công trong một năm thực hiện Nghị quyết 42 là tạo động lực đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu, tăng quyền chủ động cho chủ nợ và khuyến khích các tổ chức tín dụng mua bán nợ theo giá thị trường.

Chỉ riêng trong một năm kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, VAMC đã xử lý được 48.000 tỷ nợ xấu, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu đã xử lý kể từ khi hoạt động. Kể từ khi được thành lập năm 2013 đến nay, công ty này đã xử lý được khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu trên tổng số gần 280.000 tỷ đã mua từ các tổ chức tín dụng.

Chuyên đề