Tranh cãi quanh việc bán CP Vinamilk

(BĐT) - Đã gần 1 năm sau ngày Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp (DN). 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đến thời điểm này, SCIC chưa thoái vốn được DN nào, cho dù thị trường chứng khoán đã có một số thời điểm thuận lợi. Mới đây, SCIC công bố phương án bán vốn tại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Cách thức bán vốn do SCIC đề xuất đã gây ra những tranh cãi.  

Bán lẻ

Trao đổi với truyền thông mới đây, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐQT SCIC cho biết sẽ bán 9% vốn tại Vinamilk (đợt bán đầu tiên) ngay trong năm 2016. Tháng 11 sẽ công bố mức giá chào bán khởi điểm và không thấp hơn giá thị trường. Vẫn theo đại diện SCIC, đơn vị này đang xem xét bán theo lô, thoả thuận cổ phiếu Vinamilk.  Nếu cách làm suôn sẻ, SCIC sẽ tiếp tục bán cổ phần tại 10 DN khác vốn được coi là “gà đẻ trứng vàng”: Công ty CP FPT, Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom), Tổng công ty CP Bảo hiểm Bảo Minh, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare), Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty CP Nhựa Bình Minh, Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang. Giá trị vốn hoá của 10 DN này hiện khoảng 100.000 tỷ đồng, trong đó riêng Vinamilk chiếm 90% (khoảng 90.000 tỷ đồng).

SCIC không đưa ra giải thích vì sao bán 9% vốn tại Vinamilk mà không phải là cao hơn hay thấp hơn. Hiện tỷ lệ sở hữu nhà nước tại DN này lên đến 45%. Con số thoái đợt đầu và cách thoái vốn của SCIC tại Vinamilk không hẳn nhận được sự đồng tình của những nhà chuyên môn. 

Hạ sách?

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, việc SCIC bán lẻ thay vì đấu giá trọn lô số cổ phần nhà nước sở hữu tại Vinamilk là… hạ sách. Điều này có thể dẫn tới thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Ông Hải phân tích, nếu thực hiện bán đấu giá trọn lô 45% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thông qua hình thức đấu giá sẽ thu được nhiều lợi ích hơn. Việc bán lẻ 9% đợt 1 và chia thành nhiều đợt tiếp theo sẽ khó thu hút nhà đầu tư chiến lược vì với tỷ lệ nhỏ họ không tham gia điều hành, quản trị được DN. Bán cách này chỉ thu hút các quỹ đầu tư tài chính, lướt sóng. “Tôi cho rằng nên bán trọn lô toàn bộ 45% cổ phần bằng cách chọn tư vấn quốc tế vào định giá cổ phiếu Vinamilk sau đó tiến hành bán đấu giá. Với sức hấp dẫn của DN số 1 Việt Nam, giá trị Nhà nước thu về có thể cao hơn giá hiện tại trên thị trường hiện nay khá nhiều” - ông Hải nói.

Ông Hải cảnh báo, nếu cách bán xé lẻ tại Vinamilk được áp dụng với những “con gà đẻ trứng vàng” khác như FPT, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh…, Nhà nước có thể thiệt hại rất lớn. Lý giải nguyên nhân chọn cách bán lẻ CP tại “ông lớn” Vinamilk, ông Hải cho rằng SCIC đang cố níu kéo lợi ích, không muốn sớm rút khỏi các DN làm ăn tốt.

Không hẳn đồng tình với quan điểm trên, nhà đầu tư Nguyễn Minh (Hà Nội) cho rằng, cho dù bán nhanh thì SCIC cũng cần thận trọng bởi những DN như Vinamilk đều nằm trong số DN tốt, còn dư địa tăng trưởng. Nếu bán một lần nhưng chọn nhà tư vấn, định giá không chuẩn sẽ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.

Giám đốc Khối môi giới một công ty chứng khoán uy tín tại Hà Nội nêu quan điểm, cho dù bán lẻ hay bán trọn lô thì việc bán CP tại Vinamilk nói chung và các DN nằm trong danh mục thoái vốn nói riêng cần được thực hiện nhanh. Việc kéo dài gây nên nhiều hệ lụy: tư tưởng, tâm lý cán bộ, nhân viên từ cấp cao trở xuống không ổn định ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Ở góc độ Nhà nước, đã xác định cần tiền nên mới thoái vốn tại DN và muốn đổi mới quản trị tại các DN thì cần bán nhanh, dùng tiền vào những kế hoạch đầu tư khác cho hiệu quả. “Không nên quá căn ke về cách bán như thế nào mà đánh mất cơ hội. Bây giờ đang là thời điểm tốt nên bán hết số CP cho nhà đầu tư đủ năng lực tài chính và có tham vọng phát triển DN” - vị chuyên gia nêu quan điểm.

Chuyên đề