Thoái vốn khỏi Vinamilk, Sabeco, Habeco: Phải làm từ từ, không gây xáo trộn

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2017 có thể bán hết số cổ phần còn lại của Nhà nước tại Vinamilk và bán với khối lượng lớn hơn cho nhà đầu tư song sẽ phải rút kinh nghiệm về khâu giá bán. 
Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, nếu thoái hết vốn khỏi các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco, Habeco một lúc sẽ gây xáo trộn cho thị trường
Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, nếu thoái hết vốn khỏi các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco, Habeco một lúc sẽ gây xáo trộn cho thị trường

Tuy vậy, nhìn chung, công tác thoái vốn khỏi những doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco và Habeco phải theo lộ trình, đảm bảo an toàn cho thị trường.

Hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã chào bán 130,6 triệu cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), tương ứng 9% vốn điều lệ của Vinamilk. Tuy nhiên, kết thúc phiên bán đấu giá, dù đúng là bán được ở mức giá cao hơn thị giá tại thời điểm đó nhưng SCIC chỉ bán được tổng cộng 78,4 triệu cổ phần, khoảng 60% số lượng cổ phiếu chào bán cho Tập đoàn F&N của Thái Lan.

Trao đổi tại cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính ngày 16/3, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, hoạt động bán vốn tại Vinamilk như vừa qua "đúng là không thành công" chứ không phải "ế".

"Chúng ta khống chế mỗi nhà đầu tư chỉ mua 2,7%, còn nếu bán toàn bộ thì những ông lớn mua hết ngay. Do bán thử nghiệm nên chỉ thế", ông Tiến bình luận.

Đồng thời, vị này cũng cho biết, trong năm 2017 sẽ có thể bán hết số cổ phần còn lại của Nhà nước tại Vinamilk và bán với khối lượng lớn hơn cho nhà đầu tư song sẽ phải rút kinh nghiệm về khâu giá bán.

Với phương pháp dựng sổ đòi hỏi sẽ phải thăm dò thị trường xem nhu cầu của người mua, khi thấy rằn nhu cầu cao hơn so với lượng vốn bán ra thì sẽ thành công, còn nếu nhu cầu thấp hơn thì phải thu hẹp khối lượng. Tất cả những khâu này sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường với sự tìm hiểu từ kinh nghiệm thế giới.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, việc thoái vốn khỏi những doanh nghiệp lớn Vinammilk, Habeco, Sabeco, Thủ tướng đã yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho thị trường. Do đó, việc bán phải có lộ trình.

"Ví dụ như với trường hợp Vinamilk, các nhà đầu tư bảo bán tất đi nhưng bán ra hết thì thị trường sẽ không hấp thụ được, không khéo thị trường quay lưng lại với các sản phẩm khác. Chính vì thế, cần phải đảm bảo công tác thoái vốn không làm ảnh hưởng xáo trộn đến thị trường", ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Tiến cũng lưu ý, việc bán vốn Nhà nước không thể thực hiện như giao dịch khớp lệnh mà phải có lộ trình, phải qua các bước định giá, xác định lượng vốn thoái ra, đấu giá công khai. Đặc biệt, trong công tác đấu giá công khai phải đảm bảo được tính minh bạch, minh bạch từ khâu thuê tư vấn cho đến khâu tổ chức bán cổ phần.

Liên quan tới thoái vốn nhà nước tại Tổng Cty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), ông Tiến cho biết, trước đây Bộ Tài chính muốn chuyển Habeco về SCIC rồi mới thoái vốn. Tuy nhiên, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương thực hiện việc này, nên tới nay Bộ Tài chính cũng chưa cập nhật được tình hình đàm phán tại Habeco ra sao.

Được biết, hiện Carlsberg đang yêu cầu được ưu tiên mua lại cổ phần Nhà nước tại Habeco, theo điều khoản hợp đồng đầu tư chiến lược 2 bên đã ký trước đó. Tuy nhiên, hợp đồng này có điều khoản Carlsberg cam kết các nghĩa vụ với Habeco, nhưng nhiều năm trước những điều khoản này đã bị Carlsberg vi phạm và đáng ra phải bị xử lý trách nhiệm. 

Chuyên đề