Thị giá tuột dốc, khó thoái vốn tại Viglacera

(BĐT) - Theo Công văn công bố thông tin số 296/TCT-NDD của Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã chứng khoán: VGC) ngày 20/6/2018, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thoái vốn nhà nước từ 53,97% xuống còn 36% trong khoảng thời gian từ ngày 27/6/2018 đến ngày 21/7/2018.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Mức giá thoái vốn không thấp hơn mức 26.100 đồng/cổ phần và thực hiện theo phương thức giao dịch khớp lệnh. Trong khi đó, thị giá VGC trong phiên ngày 10/7 đã “rơi” xuống mức 16.200 đồng/cổ phiếu.

Áp lực bán quá mạnh

Trong phần thảo luận tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, Ban lãnh đạo Viglacera cho biết, ngày 28/6/2018 vừa qua là thời điểm tốt để Bộ Xây dựng thực hiện thoái vốn, tuy nhiên áp lực bán gia tăng mạnh tại vùng giá dưới 26.000 đồng/cổ phiếu khiến cho giao dịch thoái vốn không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, lực cầu cũng như thanh khoản trên thị trường chứng khoán chung sụt giảm mạnh, tâm lý bi quan khiến cho nhà đầu cơ đẩy mạnh hoạt động chốt lời hoặc cắt lỗ, thị giá cổ phiếu VGC cũng theo làn sóng này sụt giảm mạnh chỉ trong 2 tuần trở lại đây. Theo đó, thị giá VGC đã sụt giảm tới gần 30% từ vùng giá trên 24.000 đồng xuống mức thấp nhất 16.200 đồng/cổ phiếu trong phiên ngày 10/7/2018.

Nếu như không có sự phục hồi mạnh mẽ trở lại vùng giá 24.000 đồng/cổ phiếu trong những phiên giao dịch sắp tới thì nhiều khả năng Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn bất thành tại Viglacera khi thời hạn cuối đang cận kề. Mặc dù vậy, trong trường hợp thoái vốn không thành công, ban lãnh đạo Tổng công ty sẽ báo cáo lại và xin gia hạn thêm 60 ngày.

Về vùng giá hấp dẫn, cổ đông nội bộ đăng ký mua vào

Sự sụt giảm mạnh về thị giá trong thời gian ngắn đã khiến cổ phiếu VGC trở nên hấp dẫn tương đối so với vùng định giá thoái vốn của Bộ Xây dựng. Đã có thời điểm thị giá cổ phiếu giảm về gần bằng mức đấu giá thành công thấp nhất cách đây hơn 1 năm (15.400 đồng/cổ phiếu). Trong khi đó, hiệu quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 của Tổng công ty được duy trì ổn định so với năm 2017.

Cụ thể, theo chia sẻ của ban lãnh đạo Tổng công ty, mặc dù kết quả kinh doanh quý I/2018 sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017 do nguồn cung trên thị trường vật liệu xây dựng gia tăng mạnh từ các nhà sản xuất hay nguồn hàng nhập khẩu, thế nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, Viglacera dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế toàn Tổng công ty là gần 500 tỷ đồng, vượt 3% so với kế hoạch. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ là hơn 300 tỷ đồng với đóng góp lớn từ mảng kinh doanh bất động sản. Dự kiến năm 2018, Viglacera sẽ đạt được kế hoạch lợi nhuận trước thuế trên 1.000 tỷ đồng.

Các yếu tố nền tảng cơ bản tiếp tục ổn định trong khi thị giá trở nên hấp dẫn. Thật dễ hiểu khi cổ đông nội bộ của Viglacera đăng ký mua vào tổng cộng 450.000 cổ phiếu. Cụ thể, cá nhân Nguyễn Thị Thu Hương - chị/em ruột của thành viên HĐQT Nguyễn Anh Tuấn đăng ký mua vào 150.000 cổ phiếu; Phó Tổng giám đốc Trần Ngọc Anh đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu; thành viên HĐQT Lưu Văn Lẩu đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu. Không chỉ vậy, những ngày gần đây, khối ngoại đã bắt đầu trở lại mua ròng mạnh cổ phiếu VGC. Lực cầu bắt đáy đã giúp VGC phục hồi trở lại vùng giá quanh 18.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cách khá xa so với vùng giá thoái vốn của Bộ Xây dựng.         

Chuyên đề