Thấy gì từ các phiên đấu giá trọn lô doanh nghiệp ngành GTVT?

(BĐT) - Thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016 một loạt tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành giao thông vận tải (GTVT) thực hiện đấu giá cổ phần (CP) đã mang về cho ngân sách số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, giá trúng đấu giá chênh lệch rất thấp so với giá trượt đấu giá làm dấy lên nghi ngại về hậu quả của việc khống chế, hạn chế các nhà đầu tư tham gia.
85,58 triệu CPVinamotor đã được đấu giá thành công với giá cao nhất là 1.250,513 triệu đồng, cao hơn so với mức giá khởi điểm vỏn vẹn… 2 triệu đồng
85,58 triệu CPVinamotor đã được đấu giá thành công với giá cao nhất là 1.250,513 triệu đồng, cao hơn so với mức giá khởi điểm vỏn vẹn… 2 triệu đồng

Từ sự khác biệt

Phiên đấu giá trọn lô Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 -CTCP (Cienco 5) đã diễn ra suôn sẻ, giá trị lô CP bán được cao gần gấp đôi giá khởi điểm. Cụ thể, 10,176 triệu CP đã bán được với tổng giá trị trên 202,2 tỷ đồng, cao hơn mức khởi điểm 101,861 tỷ đồng.

Đấu giá trọn lô cùng thời điểm với Cienco 5, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - CTCP (Cienco 6) lại gây ngạc nhiên lớn về kết quả đấu giá. Theo thông báo kết quả đấu giá của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, tổng số lượng 45,695 triệu CP đưa ra đấu giá đã được bán hết với tổng giá trị là 457,635 tỷ đồng, cao hơn không đáng kể so với giá khởi điểm.

Trong khi giá khởi điểm của Cienco 6 là 10.011 đồng/CP cao hơn giá khởi điểm của Cienco 5 là 10.010 đồng/CP, việc Cienco 5 được mua với giá cao hơn gấp đôi là bất ngờ lớn so với kết quả đấu giá của Cienco 6. Điều này có thể được giải thích rằng, số lượng CP của Cienco 6 đem ra đấu giá lớn hơn nên lượng hàng nhiều đã làm ảnh hưởng đến giá mua. Tuy nhiên, tại sao giá khởi điểm được Bộ GTVTđưa ra tại hai DN gầnbằng nhau (chênh nhau 1 đồng), hai DN có nhiều nét tương đồng, cùng thời điểm đấu giá nhưng kết quả lại khác biệt lớn như vậy? Nhà đầu tư mua CP Cienco 5 đã bị hớ haynhà đầu tư ẵm trọn lô CP Cienco 6 đã quá hời, hay câu chuyện định giá CP hai DN trước khi đấu giá có vấn đề? 

Đến điểm chung

Trước Cienco 5 và Cienco 6, một thương vụ đấu giá đình đám thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư là Bộ GTVT bán toàn bộ 97,7% vốn điều lệ, tương ứng 85,5 triệu CP tại Tổng công ty Vinamotor với giá bán 14.612 đồng/CP. Tháng 3/2014, Vinamotor thực hiện bán đấu giá lần đầu ra công chúng 51 triệu CP, chiếm 51% vốn điều lệ với giá khởi điểm 10.000 đồng/CP.Chỉ có 3,1% số lượng CP đưa ra đấu giá được mua với giá bằng giá khởi điểm.

Bộ GTVT tỏ ra nhạy bén khi tranh thủ thời điểm thị trường dành sự ưu ái cho CP ngành ô tô để bán ra CP Vinamotor. Hay chính xác hơn, ngành ô tô đã có bước lột xác ngoạn mục trong năm 2015 khi tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu và lợi nhuận khiến giá CP của các DN ô tôtrên sàn niêm yết tăng từ vài chục đến vài trăm %. Kết quả, 85,58 triệu CPVinamotor đã được đấu giá thành công với giá cao nhất là 1.250,513 triệu đồng, cao hơn so với mức giá khởi điểm vỏn vẹn… 2 triệu đồng.

Điểm chung của các cuộc đấu giá trên là có rất ít nhà đầu tư được tham gia ( 2 - 3 nhà đầu tư bằng mức tối thiểu theo quy định, trường hợp có 1 nhà đầu tư tham gia sẽ chuyển sang bán thỏa thuận thay vì đấu giá). Thực tế tại 3 cuộc đấu giá trên cho thấy, DN có số lượng nhà đầu tư đăng ký mua lớn thì tính cạnh tranh cao hơn rất nhiều. Trong số 3 DN đấu giá trọn lô, duy nhất Cienco 5 có 3 nhà đầu tư lọt vào danh sách là Công ty CP Đầu tư Hải Phát, Công ty CP Đầu tư Nam trí, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM. Kết quả nhà đầu tư trúng giá đã phải bỏ giá cao gần gấp đôi giá khởi điểm để sở hữu trọn lô CP.

Tại hai DN còn lại, mỗi DN chỉ có hai nhà đầu tư được lọt vào danh sách đã làm mất hẳn đi sự cạnh tranh và giá trị thặng dư Nhà nước thu về không lớn như mong đợi. Cụ thể, tại phiên đấu giá Cienco 6 có 2 nhà đầu tư (Công ty CP Đồng Phú Hưng - Bình Thuận và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt), kết quả nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra mức giá cao hơn không nhiều so với giá khởi điểm đã sở hữu được lô CP. Đáng chú ý, nhà đầu tư thắng đấu giá chỉ bỏ giá cao hơn gần 100 triệu đồng so với nhà đầu tư trượt đấu giá.

Kịch bản diễn ra tương tự đối với Vinamotor. Chỉ có duy nhất 2 nhà đầu tư lọt vào danh sách sau một loạt điều kiện, hàng rào kỹ thuật được dựng lên là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) và Công ty CP Phát triển TN (TN Development).Bên thắng cuộc - Công ty Vinamco đã trả mức giá 1.250,513 triệu đồng, chỉcao hơn 2 triệu đồng so với DN đối thủ.

Đấu giá CP trọn lô được xem là một trong những chính sách quan trọng nhất được đưa ra trong năm 2015 đối với hoạt động thoái vốn nhà nước tại các DN không cần nắm giữ chi phối. Việc mua được CP lô lớn có thể kiểm soát hoạt động của các DN đã kích thích nhiều nhà đầu tư quan tâm, tham gia. Tuy nhiên, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai nhằm tránh hiện tượng tiêu cực, đảm bảo các cuộc đấu giá diễn ra minh bạch, công bằng là rất cần thiết. 

Chuyên đề