Tăng vốn hơn 2.800 lần, Faros gây sốc cho nhà đầu tư

(BĐT) - Ngày 1/9/2016, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM sẽ đón “tân binh” ROS của Công ty CP Xây dựng Faros với số lượng 430 triệu cổ phiếu (CP), giá khởi điểm 10.500 đồng/CP. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Mới chào sàn, Faros đã là một trong những doanh nghiệp (DN) lớn nhất sàn, có vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng, vượt qua cả 2 ông lớn cùng ngành là Coteccons (469 tỷ đồng) và Địa ốc Hòa Bình (944 tỷ đồng).

2 năm vốn điều lệ tăng… 2.866 lần

Có thể nói Faros là một trong những DN tăng vốn nhanh nhất thị trường hiện nay. Từ khi thành lập năm 2011, vốn điều lệ của Faros chỉ ở mức 1,5 tỷ đồng. Sau 5 năm thành lập, trải qua 5 lần tăng vốn dồn dập từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016, vốn điều lệ của Công ty đã lên con số 4.300 tỷ đồng, không chịu thua nhiều DN lâu năm trong cùng lĩnh vực. Trong 5 năm, đúng hơn là trong gần 2 năm, vốn điều lệ của Faros đã tăng siêu tốc gấp 2.866 lần ban đầu.

Theo thông tin được công bố, Faros đã huy động tới 4.469 tỷ đồng phần lớn thu từ các đợt tăng vốn, để đầu tư các dự án. Đáng chú ý, có tới 1.181 tỷ được Công ty ủy thác đầu tư. Ngoài ra, phần lớn số tiền được Faros đầu tư cho các dự án mang thương hiệu của FLC như Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (965 tỷ đồng), Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn (396 tỷ đồng)…

Tính đến cuối quý II/2016, tổng số tiền ủy thác đầu tư đã lên tới 3.566 tỷ đồng, trong đó 1.417 tỷ đồng là ủy thác cho các cá nhân và 2.149 tỷ đồng ủy thác cho các tổ chức.

Đáng lưu ý, trong đợt tăng vốn năm 2016 cứ mỗi lệnh chuyển tiền đến lại có 1 lệnh chuyển tiền đi. Giải thích việc này, Faros cho biết, Công ty sớm có kế hoạch sử dụng vốn nên sử dụng ngay vốn huy động vào các kế hoạch đó. Các đối tác được ủy thác là những tổ chức, cá nhân có uy tín, quan hệ lâu dài nên không có rủi ro trong việc thu hồi vốn.

Tuy nhiên, cổ đông có quyền đặt câu hỏi, nếu đã có sẵn những dự án chờ vốn, tại sao nhà đầu tư lại không trực tiếp đầu tư, lại phải thông qua 1 pháp nhân là Faros. Và liệu đây có phải là thương vụ hợp thức hóa việc tăng vốn “kỳ diệu” của Faros?

Việc ủy thác đầu tư mau chóng mang đến diện mạo mới về lợi nhuận cho Faros. 6 tháng đầu năm 2016, Faros ghi nhận 106,7 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động này. Tuy nhiên, tính đến cuối quý II/2016, phần lãi phải thu ủy thác đầu tư lên tới 198 tỷ đồng, suy ra lợi nhuận dù đã được hạch toán nhưng vẫn “treo”.

Doanh thu đến từ FLC

6 tháng đầu năm 2016, doanh thu đến từ FLC là 894 tỷ đồng trên tổng số 973 tỷ đồng doanh thu xây dựng, kinh doanh bất động sản. Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC – đồng thời là cổ đông lớn nhất của Faros, nắm giữ 41,79% vốn điều lệ công ty (tính đến 6/7/2016). Tuy không tham gia công tác điều hành trực tiếp, khó có thể phủ nhận vai trò mang tính quyết định của ông Quyết đối với hoạt động kinh doanh của Faros. Việc “trông chờ” vào duy nhất một khách hàng trong kinh doanh là hết sức rủi ro. Trong nhiều trường hợp, chỉ hợp tác với 1 khách hàng khiến doanh nghiệp dễ bỏ lỡ những cơ hội tốt hơn ở bên ngoài. Với Faros, dường như công ty vẫn “ăn nên làm ra” chỉ nhờ mối quan hệ chặt chẽ với FLC. 

Năm 2014, khi vốn điều lệ đang ở mức 225 tỷ đồng, Faros lãi ròng vỏn vẹn 2 tỷ đồng. Năm 2015, Công ty bứt phá, đạt mức lợi nhuận 116 tỷ đồng với sự góp công của 105,7 tỷ đồng từ ủy thác đầu tư, và vẫn là khoản phải thu. Theo điều khoản ủy thác, lãi ủy thác đầu tư sẽ được thu khi kết thúc hợp đồng ủy thác.

Bài học tăng vốn siêu tốc

Faros là một trong những công ty tăng vốn nhanh nhất hiện nay. Với tốc độ tăng vốn thần tốc này, nhà đầu tư cần thận trọng xem xét các chỉ số tài chính, hoạt động cốt lõi cũng như triển vọng tương lai của Công ty. Tăng trưởng quy mô, liệu mô hình quản lý, chất lượng hoạt động có theo kịp, là điều mà người ta đặt câu hỏi đối với các DN tăng vốn khủng nói chung, Faros nói riêng.

Đã có quá nhiều bài học cho nhà đầu tư với các DN tăng vốn khủng, khi nhà đầu tư chỉ có thể thu được lợi nhuận nhờ “neo” theo các con sóng tăng giá ngắn ngủi, mà khó có thể đầu tư dài hạn.

Gần đây nhất, cổ phiếu MTM của Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung đã bị tạm ngừng giao dịch vào 20/6/2016 sau những thông tin lùm xùm về mặt pháp lý. MTM đã kịp tăng vốn 135 lần trước niêm yết (từ 2,3 tỷ đồng lên 310 tỷ đồng). MTM lên sàn ngày 15/4/2016 với mức giá 10.500 đồng/CP (tăng trần phiên đầu tiên, đạt 14.700 đồng/CP), nhưng chỉ còn 2.600 đồng/CP khi bị tạm ngừng giao dịch.

Cũng tương tự với cổ phiếu SGO của Công ty CP Dầu thực vật Sài Gòn, tăng vốn 200 lần chỉ trong 2 tháng ngắn ngủi trước khi lên sàn. Cũng với mức giá khởi điểm 10.500 đồng/CP, tăng trần trong phiên giao dịch đầu tiên,  hiện tại GSO đang được giao dịch xung quanh mức giá 2.300 đồng/CP.

Sẽ là “vơ đũa cả nắm” nếu hoài nghi với tất cả trường hợp tăng vốn. Tuy nhiên, việc cẩn trọng là không bao giờ thừa, với những bài học đã và đang xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi chưa có một chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trước các DN “in giấy”.

Chuyên đề