Tăng vốn 200 lần, nhà đầu tư “lãnh đủ” với cổ phiếu SGO

(BĐT) - Trong hơn 1 tháng cuối năm 2014 đầu năm 2015, Công ty CP Dầu thực vật Sài Gòn (SG Oil JSC) đã tăng vốn kỳ diệu từ mức 1 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng với kết quả kinh doanh tương đối khả quan. Công ty có một hồ sơ đẹp trước khi chính thức niêm yết vào cuối năm 2015.
Sau 3 tháng niêm yết, SG Oil công bố kết quả kinh doanh tệ hại với lợi nhuận chỉ đạt 253 triệu đồng. Ảnh: Quang Tuấn
Sau 3 tháng niêm yết, SG Oil công bố kết quả kinh doanh tệ hại với lợi nhuận chỉ đạt 253 triệu đồng. Ảnh: Quang Tuấn

Báo Đấu thầu vừa nhận được đơn thư của nhà đầu tư phản ánh tình hình phát hành cổ phiếu, những “đau thương” của cổ đông khi nắm giữ cổ phiếu SGO của SG Oil  kể từ khi niêm yết. Theo phản ánh của cổ đông này, từ khi niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (tháng 12/2015) đến nay, cổ phiếu SGO đã rớt giá một mạch từ mức 14.500 đồng (đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên) xuống còn mức xung quanh 4.000 đồng hiện tại.

Việc cổ phiếu lao dốc, nếu đem chất vấn các doanh nghiệp, câu trả lời nhận được thông thường sẽ là “do cung/cầu thị trường, tình hình kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường”. Tuy nhiên, với SGO, cổ đông cho rằng có nhiều điểm cần xác minh. 

Tăng vốn siêu tốc

Bản cáo bạch niêm yết của SG Oil cho biết, Công ty đã thực hiện tăng vốn 2 lần trong 2 năm: Từ 1 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng (năm 2014) và từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng (năm 2015).

Theo dõi SG Oil, thời gian tăng vốn của Công ty không phải trong 2 năm mà chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Cụ thể, đợt tăng vốn đầu tiên của công ty này là vào ngày 29/12/2014. Đợt 2 vào 2/2/2015. Tốc độ tăng vốn của SG Oil trở nên “siêu khủng”: Hơn 1 tháng tăng vốn điều lệ lên 200 lần!

Đáng lưu ý, cả 2 lần phát hành cổ phiếu SGO đều có 5 nhà đầu tư tham gia mua với mức giá bằng mệnh giá. Chưa rõ các cá nhân  mua cổ phần trong 2 đợt phát hành có phải cùng một nhóm hay không. Số tiền thu về tương ứng đạt 199 tỷ đồng.

Sau khi tăng vốn, số lượng cổ đông của SG Oil từ con số 5 (hoặc 10) cá nhân, tăng lên 169 cá nhân và 2 tổ chức, đáp ứng điều kiện niêm yết của Công ty. SGO “lên sàn” với mức giá 11.500 đồng/CP và tăng 26,1% trong phiên giao dịch đầu tiên (16/12/2015), đóng cửa ở mức giá 14.500 đồng/CP.

Như vậy, nếu mua cổ phiếu SGO từ phiên giao dịch đầu tiên, rồi nắm giữ tới thời điểm hiện tại, tài sản của cổ đông SG Oil đã bốc hơi khoảng 71% chỉ sau nửa năm. Với tốc độ giảm giá như vậy, không một ai không cảm thấy “đau lòng”

Nghi vấn “thoát hàng”

Chỉ sau 3 tháng niêm yết, SG Oil công bố kết quả kinh doanh tệ hại với lợi nhuận chỉ đạt 253 triệu đồng. So với quy mô vốn 200 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận cực kỳ thấp. Trước đó, năm 2014 và 2015, công ty này lãi lần lượt 12,2 tỷ đồng và 15,5 tỷ đồng, đủ để có hồ sơ đẹp trước khi chào sàn.
Trên thực tế, trước khi niêm yết chính thức, SG Oil đã không còn cổ đông lớn (nắm giữ trên 5% vốn điều lệ). Toàn bộ cổ đông sáng lập của Công ty đã hết thời gian bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần.

Như vậy, tối đa 10 cá nhân bỏ ra 199 tỷ đồng trong 2 đợt tăng vốn dồn dập của SG Oil đã nhanh chóng “thoát hàng” trước khi niêm yết. Giá cả giao dịch vẫn là ẩn số. Với mức giá chào sàn 11.500 đồng/CP và tăng trần ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, có ý kiến cho rằng, cổ đông lớn của SG Oil trước kia đã nhanh chóng chốt lời với mức khả quan. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là nghi vấn.

Không giống như hầu hết các doanh nghiệp niêm yết, Ban lãnh đạo SG Oil nắm giữ không đáng kể cổ phần Công ty. Điều này dấy lên lo ngại liệu họ có xứng đáng là nhóm đại diện cho lợi ích hàng trăm cổ đông?

Với cơ cấu cổ đông hiện tại, rõ ràng việc tổ chức ĐHCĐ thường niên cực kỳ khó khăn. Trên thực tế, sau 2 lần tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016 thất bại, SG Oil đã có thông báo triệu tập cuộc họp lần 3.

Địa điểm tổ chức ĐHCĐ lần 3 của SG Oil là Thiên đường Bảo Sơn, Hoài Đức, Hà Nội, cách Trung tâm Thủ đô hơn 30 km. Cổ đông cho rằng đây là cách công ty này hạn chế việc tham dự ĐHCĐ, qua đó có thể quyết định các vấn đề liên quan đến Công ty mà không cần biểu quyết của các cá nhân nhỏ lẻ.

Hiện SG Oil đang có nhà máy sản xuất dầu ăn tại Khu công nghiệp Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Được biết, chỉ sau 3 tháng niêm yết, SG Oil công bố kết quả kinh doanh tệ hại với lợi nhuận chỉ đạt 253 triệu đồng. So với quy mô vốn 200 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận cực kỳ thấp. Trước đó, năm 2014 và 2015, công ty này lãi lần lượt 12,2 tỷ đồng và 15,5 tỷ đồng, đủ để có hồ sơ đẹp trước khi chào sàn.

Chuyên đề