Nhiều kẽ hở trong định giá doanh nghiệp

(BĐT) - Vài năm trở lại đây, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là hoạt động thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Một cách dễ hiểu, đây là cách mà các tài sản của Nhà nước dần chuyển vào tay tư nhân với một mức giá thích hợp. Đã có nhiều nghị định hướng dẫn thực hiện hoạt động quan trọng này, song hành cùng tiến trình cổ phần hóa ngày càng nhanh và mạnh mẽ.
Nhà đầu tư mua cổ phần của Interserco được cho là đã mua được một món hời. Ảnh: Lê Tiên
Nhà đầu tư mua cổ phần của Interserco được cho là đã mua được một món hời. Ảnh: Lê Tiên

Tầm quan trọng của định giá doanh nghiệp

Định giá giữ vai trò quan trọng trên thị trường chuyển nhượng tài sản nói chung, hoạt động cổ phần hóa DNNN nói riêng.

Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của Truyền hình An Viên (AVG) là một minh chứng cho thấy mức độ quan trọng của công tác định giá. Đã có tới 3 công ty định giá vào cuộc trong thương vụ này, kết quả cực kỳ khác biệt, chênh lệch hàng chục nghìn tỷ đồng (thấp nhất 16.565 tỷ đồng, cao nhất 33.299 tỷ đồng). Thương vụ này hiện đang được thanh tra toàn diện, sẽ sáng rõ những vấn đề mà dư luận quan tâm: MobiFone mua AVG với mục đích gì và với mức giá nào?

Với đặc điểm lịch sử, hầu hết các DNNN đều đã và đang quản lý, sử dụng một quỹ đất khổng lồ - một trong những ưu thế lớn nhất cho doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa.

Tuy vậy, bên cạnh hàng nghìn héc-ta đất tại các DNNN chưa được quản lý chặt chẽ, gây khó khăn, thất thoát trong quá trình định giá doanh nghiệp, trong không ít thương vụ cổ phần hóa, dường như đất đai vẫn chưa được nhìn nhận đúng giá trị. Điều này dẫn đến việc vô tình hay cố ý bán rẻ tài sản của Nhà nước, mang lợi cho một số cá nhân/doanh nghiệp tư nhân.

Định giá “bỏ quên” đất đai

Ngày 6/6/2016 vừa qua, phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế (Interserco) đã diễn ra thành công với số lượng đặt mua lên tới 12 triệu CP, cao hơn 2,1 triệu đơn vị so với số lượng CP chào bán. Mức giá cao nhất được đặt mua là 10.600 đồng/CP, trong khi giá khởi điểm là 10.000 đồng/CP. Kết quả, Interserco thu về hơn 100 tỷ đồng trong phiên IPO, cao hơn gần 1 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm. Về mặt sổ sách, báo cáo, việc IPO Interserco có thể nói là thành công khi cổ phần được bán hết, thu về số tiền cao hơn dự kiến.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào 2 mảnh đất với tổng diện tích 68.110 m2 mà công ty này đang sử dụng dưới hình thức thuê hàng năm, thời hạn 50 năm, dường như nhà đầu tư đã có được một món hời. Được biết, theo đúng quy định, giá trị quyền sử dụng đất của Công ty hoàn toàn bằng 0, không đóng góp vào giá trị doanh nghiệp cũng như giá trị phần vốn Nhà nước tại đây.

Công khai và minh bạch rõ ràng là đòi hỏi đầu tiên ở công tác định giá doanh nghiệp.
Hơn thế nữa, Interserco đã góp vốn bằng tài sản trên diện tích đất gần 12.000 m2 cùng các đối tác thành lập Công ty CP Bất động sản Quốc tế thực hiện Dự án Tổ hợp văn phòng, nhà điều hành, Trung tâm thương mại dịch vụ công cộng, khách sạn theo văn bản năm 2007 của UBND TP. Hà Nội. Dự án này sẽ mang lại cho Interserco lợi nhuận trong tương lai.

Trường hợp khác, một công ty “tí hon” với vốn điều lệ vỏn vẹn 1,9 tỷ đồng: Công ty CP Sứ Bát Tràng. Làm ăn bê bết, thua lỗ hết năm này qua năm khác nhưng cổ phần công ty này do Hapro chào bán lại được định giá lên tới 140.000 đồng/CP và được tranh mua, chốt ở mức giá kỷ lục 421.600 đồng/CP. Theo tìm hiểu, giá CP Sứ Bát Tràng được định giá cao đơn giản vì mảnh đất gần 28.000 m2 mà công ty này sử dụng tại 1 huyện tương đối xa trung tâm Hà Nội. Rõ ràng, khi đất đai lên tiếng, việc định giá sẽ trở nên ồn ào hơn hẳn.

Giải pháp trong công tác định giá

Theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, các tổ chức tư vấn định giá trong nước, nước ngoài đăng ký cung cấp dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa cần phải thỏa mãn một loạt điều kiện về năng lực, kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực. Bộ Tài chính vừa đề xuất bổ sung Nghị định 59 những quy định về pháp nhân tư vấn định giá nước ngoài không thành lập tại Việt Nam. Nếu dự thảo này được thông qua, các tổ chức nước ngoài sẽ có cơ hội tham gia vào công việc khá nhạy cảm này.

Công khai và minh bạch rõ ràng là đòi hỏi đầu tiên ở công tác định giá doanh nghiệp.

Tuy vậy, do nhiều vướng mắc, việc định giá tài sản đất đai hiện nay vẫn chưa thực sự hoàn thiện, khiến công tác cổ phần hóa DNNN còn nhiều bất cập và thiếu sót. Giá đất được đưa vào định giá hiện vẫn thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai khi cổ phần hóa do các địa phương xác định phải sát với giá thị trường. Vấn đề chính là các địa phương phải có ý kiến kịp thời về giá đất làm cơ sở cho việc định giá.

Câu hỏi đặt ra là việc các cơ quan nhà nước tham gia trực tiếp vào công tác định giá, lại là phần nhạy cảm nhất, liệu có còn phù hợp?

Chuyên đề