IPO Viện Dệt may, “đất vàng” về tay ai?

(BĐT) - Hơn 2,2 triệu cổ phần của Viện Dệt may (tương đương 45,26% vốn điều lệ) sẽ được bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 12/3 tới tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá khởi điểm là 12.583 đồng/CP, cao hơn 25,8% so với mệnh giá. 
Viện Dệt may đang quản lý khu đất hơn 2.850 m2 ở 478 Minh Khai, Hà Nội
Viện Dệt may đang quản lý khu đất hơn 2.850 m2 ở 478 Minh Khai, Hà Nội

Mặc dù có kết quả kinh doanh tương đối khiêm tốn nhưng Viện Dệt may lại sở hữu một số mảnh “đất vàng” và có sức khỏe tài chính tương đối lành mạnh. 

Kết quả kinh doanh khiêm tốn

Viện Dệt may là cơ quan nghiên cứu triển khai và kinh doanh sản xuất trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, được thành lập ngày 5/2/1969 với tên gọi ban đầu là Viện Công nghiệp Dệt Sợi. Hiện tại, Viện có trung tâm thí nghiệm dệt may phù hợp với tiêu chuẩn ILAC và VILAS 089, một trung tâm may - thời trang Cendi, 3 xưởng sản xuất thực nghiệm, 1 công ty sản xuất và dịch vụ dệt may. Vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa 50 tỷ đồng.

Về kết quả hoạt động kinh doanh, doanh thu của Viện chủ yếu đến từ dịch vụ kỹ thuật (chiếm trên 50% tổng doanh thu), doanh thu từ sản xuất kinh doanh chiếm trên 40%, còn lại là doanh thu từ đề tài, dự án thử nghiệm. Theo Thông tư số 37/2017/TT-BCT ngày 30/10/2015 của Bộ Công Thương, Viện là đơn vị được chỉ định và ủy quyền thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn sản phẩm dệt may.

Theo phương án cổ phần hóa, Viện Dệt may sẽ có vốn điều lệ 50 tỷ đồng; trong đó Nhà nước sẽ thoái hết vốn; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 3,38%; cổ phần ưu đãi mua thêm của người lao động là 6,1%; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 2,26 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 45,26% và IPO 2,26 triệu cổ phần, tỷ lệ 45,26% vốn điều lệ. Theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị thực tế của Viện Dệt may để cổ phần hóa là 72,8 tỷ đồng; trong đó phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 51 tỷ đồng.
Doanh thu bình quân của Viện Dệt may trong giai đoạn 2014 - 2016 là 76,26 tỷ đồng/năm và liên tục tăng trưởng (năm 2014: gần 69,2 tỷ đồng, năm 2015: 78,7 tỷ đồng và năm 2016: hơn 80,8 tỷ đồng). Năm 2017, doanh thu của Viện đạt gần 57 tỷ đồng, giảm 29,5% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt 600 triệu đồng, giảm 48% so với năm 2016. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt 1,5%. Nguyên nhân dẫn đến sụt giảm doanh thu là do bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng Formaldehyt và Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may.

Bản công bố thông tin của Viện Dệt may cho biết, tại thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản đạt 41 tỷ đồng và không sử dụng nợ vay. 

Sở hữu nhiều mảnh đất đẹp

Mặc dù có hoạt động kinh doanh khiêm tốn nhưng Viện Dệt may lại đang quản lý nhiều mảnh “đất vàng”. Cụ thể, tại Hà Nội, Viện đang quản lý khu đất hơn 2.850 m2 ở địa chỉ 478 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng và khu đất 5.311 m2 tại ngõ 454/24 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Hai khu đất này đã được UBND TP. Hà Nội cho phép Viện được giữ lại tiếp tục quản lý, sử dụng, ký hợp đồng thuê đất và trả tiền thuê đất hàng năm sau khi chuyển thành công ty cổ phần.

Ngoài ra, Viện đang sử dụng khu đất hơn 2.219 m2 tại địa chỉ số 354/128A Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP.HCM làm cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, xưởng thực nghiệm và giới thiệu sản phẩm. Viện cho biết, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 14083/BTC-QLCS gửi UBND TP.HCM và Tập đoàn Dệt may Việt Nam về việc thống nhất cho Viện tiếp tục quản lý cho các mục đích nghiên cứu khoa học. Hiện tại, UBND TP.HCM chưa có văn bản trả lời về phương án sử dụng khu đất này.

Chuyên đề