Đấu giá cổ phần Vinamilk: Một mình một chợ

(BĐT) - Chiều 12/12/2016, thương vụ thoái vốn nhà nước đáng chú ý nhất năm 2016 đã diễn ra chóng vánh và không có gì bất ngờ. 
Tập đoàn đồ uống F&N của Singapore đã sở hữu 16,4% cổ phần Vinamilk sau phiên đấu giá ngày 12/12/2016. Ảnh: Thục Anh st
Tập đoàn đồ uống F&N của Singapore đã sở hữu 16,4% cổ phần Vinamilk sau phiên đấu giá ngày 12/12/2016. Ảnh: Thục Anh st

130,63 triệu cổ phần Vinamilk (mã chứng khoán VNM) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chào bán đã được 2 tổ chức nước ngoài đăng ký mua tổng cộng 78,38 triệu đơn vị, tương đương 60% tổng khối lượng chào bán.

Khi khối lượng đăng ký mua chưa vượt quá khối lượng chào bán, mức giá thành công bằng đúng mức giá khởi điểm 144.000 đồng/CP. Hai nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua là F&N Bev Manufacturing và F&N Dairy Investment, mỗi tổ chức mua vào 39,19 triệu đơn vị, là số lượng CP tối đa mà mỗi nhà đầu tư được đăng ký mua. Đây là 2 tổ chức thuộc Tập đoàn đồ uống Singapore F&N, thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, cũng là tổ chức đang sở hữu 11% CP của Vinamilk. Số tiền tỷ phú Thái Lan bỏ ra tương đương 500 triệu USD. 

SCIC hài lòng với kết quả đấu giá

Mặc dù chỉ bán được 60% số lượng cổ phần chào bán, ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết, SCIC hài lòng về kết quả đấu giá lần này. Theo kế hoạch, SCIC sẽ chào bán 44,73% cổ phần nắm giữ tại Vinamilk thành nhiều đợt. Đây là đợt tập dượt đầu tiên với việc bán 9%, tương đương 130,63 triệu CP.

Mức giá tối thiểu 144.000 đồng/CP mà SCIC đưa ra cao hơn thị giá của Vinamilk trong 1 tháng trở lại đây. Đặc biệt, trong phiên giao dịch 12/12/2016, CP Vinamilk được trao đổi trên sàn với mức giá xung quanh 133.700 đồng/CP. Đáng chú ý, theo quy chế chào bán, mỗi nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá được đặt mua tối thiểu 20.000 và tối đa 39,19 triệu CP. Nói về giới hạn 39,19 triệu CP, đại diện SCIC, trong một cuộc gặp gỡ báo chí, cho biết, tổ chức này chào bán rộng rãi cho nhà đầu tư, chia nhỏ sẽ giúp nhiều nhà đầu tư có cơ hội mua cổ phiếu Vinamilk.

Thế nhưng, có thể thấy rằng, Vinamilk tương đối “ế ẩm” khi kết thúc đợt đăng ký mua CP, không có nhà đầu tư nào quan tâm, ngoài F&N. Có người cho rằng, nếu muốn sở hữu Vinamilk, người ta có thể mua trên sàn, tranh thủ cơ hội thoái vốn của các quỹ tại doanh nghiệp này trong thời gian vừa qua. Mức giá sẽ rẻ hơn tương đối.

Với giới hạn về số lượng CP đăng ký mua, F&N nếu muốn gom toàn bộ CP từ SCIC thì không cách nào khác phải tìm thêm một công ty thành viên đứng ra với tư cách nhà đầu tư thứ 3 trong cuộc đấu giá toàn “người nhà”. F&N đã không lựa chọn phương án đó, mà chỉ huy động 2 thành viên gom vào 60% CP của phiên đấu giá mà thôi. 

Bài học thoái vốn

130,63 triệu cổ phần Vinamilk do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước chào bán đã được 2 tổ chức nước ngoài đăng ký mua tổng cộng 78,38 triệu đơn vị, tương đương 60% tổng khối lượng chào bán.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) cho rằng, việc chỉ bán được 60% số lượng CP chào bán là không quá khó hiểu. Mức giá 144.000 đồng, cao hơn 8% so với mức giá đóng cửa phiên giao dịch 12/12, theo ông Hải, cũng “chưa phải là cao”.

Thị trường Việt Nam tương đối bé, nên khi thoái vốn phải dựa vào các nhà đầu tư lớn. Thương vụ thoái vốn vừa qua chưa hợp lý ở chỗ đã xé nhỏ vốn ra để “bán lẻ” thay vì bán lô lớn cho nhà đầu tư chiến lược, Phó Chủ tịch Vafi nhận xét.

Ông Nguyễn Hoàng Hải giữ nguyên ý kiến về việc thoái vốn nhà nước với quy mô lớn, tức là nên bán lô lớn cho nhà đầu tư chiến lược thay vì chào mời các cổ đông nhỏ lẻ. Việc bán thỏa thuận CP có thể bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Tuy nhiên có thể phòng ngừa bằng cách công khai thông tin tối đa, đồng thời đề ra mức giá sàn cao hơn thị giá với một tỷ lệ nào đó. Nếu doanh nghiệp đủ hấp dẫn như Vinamilk, việc bán lô lớn sẽ mang kết quả tốt hơn nhiều so với phương thức “xé lẻ” vừa qua.

Ngoài ra, thông tin về việc bán vốn SCIC tại Vinamilk nhìn chung khá hạn chế. Các tổ chức muốn mua CP Vinamilk không có đủ thời gian để tìm hiểu, tiếp xúc với doanh nghiệp này trước khi phiên đấu giá thực sự diễn ra.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân trong quá trình “bán mình” cho đối tác ngoại luôn tìm được mức giá hời nhất có thể và cao hơn nhiều so với giá thị trường. Ông Hải cho rằng, việc thoái vốn nhà nước tại Vinamilk nói riêng, các doanh nghiệp nhà nước nói chung, cần theo cơ chế chào bán thỏa thuận có kiểm soát. Đấu giá chỉ nên áp dụng cho phiên chào bán CP lần đầu, với mục đích cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Hải nhận định.

Cuộc tập dượt đầu tiên của SCIC tại Vinamilk cuối cùng cũng đã kết thúc. Nhưng những bài học có thể rút ra không chỉ dừng lại với SCIC, Vinamilk.

Chuyên đề