Đấu giá cổ phần: Đạt lượng, thiếu chất

(BĐT) - Với việc bùng nổ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa trong thời gian vừa qua, cùng những chế tài thúc đẩy mạnh mẽ của Chính phủ và các cơ quan quản lý thị trường trong những năm qua, thị trường UPCoM không ngừng lớn lên mạnh mẽ.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

UPCoM (Unlisted Public Company Market) là tên gọi của thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo quy định, các đối tượng đăng ký giao dịch trên UPCoM bao gồm các công ty đại chúng chưa đủ điều kiện niêm yết hoặc đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết, các công ty bị hủy niêm yết nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn công ty đại chúng, và đặc biệt là các DNNN đã chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Theo số liệu được đại diện HNX công bố tại Hội nghị Phổ biến một số chính sách mới về cổ phần hóa và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, tính đến ngày 12/12/2016, số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM lên tới 387 đơn vị, vượt xa con số 169 và 256 doanh nghiệp lần lượt trong 2 năm 2013 - 2014. Trong những ngày cuối năm, thậm chí còn có hiện tượng các doanh nghiệp phải “xếp hàng” để chờ lên sàn UPCoM.

Sôi động đấu giá

Theo thống kê, 11 tháng đầu năm 2016, đã có 481 triệu cổ phần được bán đấu giá thông qua HNX với giá trị đạt 6,5 nghìn tỷ đồng. So sánh về khối lượng, số lượng cổ phần đấu giá 11 tháng đầu năm đã vượt xa con số cả năm trước đó (331 triệu đơn vị). Tuy nhiên, giá trị đấu giá chỉ tăng nhẹ so với con số 6,3 nghìn tỷ đồng của năm 2015. Rõ ràng, hoạt động đấu giá năm 2016 rất sôi động với nhiều mặt hàng hơn nhưng giá trị lại không tăng trưởng tương xứng.

Ông Phạm Hải An, Phó Trưởng phòng Đổi mới sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp thuộc Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, mặc dù đã có những quy định về việc đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch cổ phần của các DNNN, vẫn còn gần 400 DNNN đã cổ phần hóa nhưng vẫn chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Việc các DNNN chưa chịu “lên sàn” sau khi cổ phần hóa dẫn đến nhiều hệ lụy. Đáng kể nhất là việc các nhà đầu tư mua cổ phần thông qua thị trường tự do (OTC) nhưng lại không có kênh chuyển nhượng chính thức sau cổ phần hóa, dẫn đến nhiều vi phạm, tranh chấp. Ngoài ra, các phiên đấu giá cổ phần DNNN cũng trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước do nhà đầu tư vẫn mờ mịt về lộ trình “lên sàn” sau cổ phần hóa. 

Vai trò của sàn UPCoM

Làm thế nào để sàn giao dịch này tạo ra giá trị thực tế cho nhà đầu tư và cho doanh nghiệp, chứ không còn là chỗ dừng chân đối phó sau cổ phần hóa của các ông lớn - cần có những nỗ lực từ nhiều phía, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý
UPCoM được coi là bước chuẩn bị cho sân chơi chính thức là 2 sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM. Quy mô của UPCoM ngày càng “phình to” ra, vượt cả sàn niêm yết chính thức. Tính đến cuối tháng 11/2016, tổng giá trị đăng ký giao dịch của UPCoM đạt 116.451 tỷ đồng, vốn hóa đạt 253.395 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn hóa HNX.

Trao đổi bên lề một Hội nghị, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, UPCoM là một bước đệm, thị trường niêm yết mới là thị trường chính, là cái đích hướng tới của các công ty đại chúng. Chính vì vậy, không lo chuyện UPCoM trở thành cái “kho” cất giữ cổ phiếu.

Trên thực tế, nhiều DNNN cổ phần hóa nhưng tỷ lệ thoái vốn của Nhà nước quá thấp, không đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Việc giao dịch trên UPCoM vì vậy cũng chỉ mang tính hình thức. Ông Sơn cho rằng, việc thoái vốn với một số DNNN là bắt buộc, chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.

Tính lũy kế đến ngày 12/12/2016, tổng khối lượng cổ phần đăng ký giao dịch trên UPCoM lên tới gần 12 tỷ đơn vị. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thực tế chưa đến 2 tỷ cổ phần. Thống kê này cho thấy, “hàng hóa” trên UPCoM tuy nhiều, nhưng mức thanh khoản chưa tương xứng, vì vậy chưa đủ hấp dẫn.

Có ý kiến cho rằng thị trường không đủ sức hấp thụ khi UPCoM đang lớn lên quá nhanh, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài đang có xu hướng sụt giảm. Ông Phạm Hồng Sơn lạc quan cho rằng, các chỉ số chứng khoán Việt Nam đang khá tốt. Thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, UPCoM nói riêng, đủ lớn thì sẽ càng tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, kéo dòng vốn ngoại quay lại thị trường Việt Nam.

UPCoM đã có một năm tăng trưởng mạnh mẽ. Thời gian tới, những chế tài về việc đăng ký giao dịch, công bố thông tin hứa hẹn tạo ra giai đoạn bùng nổ của thị trường này. Làm thế nào để sàn giao dịch này tạo ra giá trị thực tế cho nhà đầu tư và cho doanh nghiệp, chứ không còn là chỗ dừng chân đối phó sau cổ phần hóa của các ông lớn - cần có những nỗ lực từ nhiều phía, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Chuyên đề