Công ty chứng khoán vào cuộc đua thị phần đấu giá cổ phần

(BĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phải thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Tập đoàn sở hữu. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Sau khi tuyển lựa, 3 công ty: Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) đã được VNPT lựa chọn, trong đó SHS tổ chức 2/3 các cuộc đấu giá cổ phần của Tập đoàn. Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất trong vòng gần 10 năm qua khiến thị phần môi giới cạnh tranh khốc liệt. Nhưng cuộc đua lọt vào “mắt xanh” các chủ sở hữu có kế hoạch bán đấu giá cổ phần của các công ty chứng khoán (CTCK) cũng không kém cam go. 

Lợi đơn, lợi kép

Theo tìm hiểu của phóng viên, mức phí cho một cuộc đấu giá cổ phần giá trị thoái vốn dưới 100 tỷ đồng cũng chỉ vào khoảng 150 - 200 triệu đồng. Những DN quy mô lớn, nhiều đơn vị thành viên liên quan thì cũng chỉ trên dưới 1 tỷ đồng tiền phí. CTCK chịu quy định chặt chẽ về các mức chi phí tại những văn bản pháp luật về thoái vốn nhà nước. Mặt khác, đối tác bán vốn của họ là những DN nhà nước nên không thể linh hoạt hay mạnh tay trong việc thưởng nếu cổ phiếu bán được giá cao. Do đó, doanh thu mảng tư vấn đấu giá của một CTCK thuộc hàng TOP 3 chỉ vào khoảng 15 tỷ đồng/năm.

Điều đáng nói, để thực hiện 1 cuộc đấu giá cổ phần thành công, các CTCK phải làm rất nhiều việc. Bước đầu là xác định giá trị DN, vị thế của công ty trong ngành, xử lý các vấn đề tài chính... Sau đó, khâu khó nhất là tìm kiếm đối tác có thể mua, đảm bảo cuộc đấu giá thành công.

Mặc dù phí ít, công việc nhiều nhưng các CTCK vẫn tích cực tìm kiếm cơ hội tham gia vào đấu giá cổ phần thoái vốn của DNNN. Dịch vụ này sẽ mang lại các giá trị tăng thêm cho các mảng khác trong chuỗi dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư. Đơn cử: khi tổ chức đấu giá, cổ phiếu sẽ được lưu ký tại CTCK. Sau đó các giao dịch, chuyển nhượng trước khi niêm yết cũng được thông qua các CTCK này và họ có thể thu phí. Nếu làm tốt công việc đấu giá cổ phần, CTCK cũng có thuận lợi khi cạnh tranh tư vấn DN lên sàn niêm yết. Mặt khác, đối với các CTCK có tiềm lực tài chính mạnh, đặc biệt là các công ty có ngân hàng chống lưng, họ có thể hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư thực hiện các giao dịch.

Nhiều lợi ích mang lại khiến các CTCK quay lại công việc tư vấn, tổ chức đấu giá cổ phần vốn im hơi lặng tiếng một thời gian dài. Điều này khiến cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt và phần thắng thuộc về những CTCK uy tín. 

Sôi động thoái vốn

Nhằm đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2016 - 2020, mới đây Chính phủ đã ban hành danh mục thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Theo Danh mục này, trong khoảng thời gian 4 năm sẽ có 406 DN thực hiện thoái vốn. Riêng năm 2017 sẽ thoái vốn 135 DN. Năm 2018 tiếp tục có 181 DN thực hiện thoái vốn; năm 2019 có 62 DN thực hiện thoái vốn và năm 2020 có 28 DN thực hiện thoái vốn.

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc SHS cho rằng, với lộ trình thoái vốn DNNN đã được Chính phủ đề ra, hoạt động thoái vốn sẽ thực sự sôi động thời gian tới. “Đến nay, nhiều DNNN đã cổ phần hóa nhưng chỉ là chuyển đổi mô hình hoạt động từ DNNN sang công ty cổ phần. Về bản chất, Nhà nước vẫn nắm giữ vốn chi phối với giá trị lớn và tới đây sẽ phải thoái. Cuộc chơi thoái vốn sẽ quyết liệt và mang tính chất thị trường hơn so với thời điểm IPO cổ phần hóa. Bởi IPO có thể khống chế lượng bán, bán hết hay không không quá quan trọng. Còn thoái vốn sẽ phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa và cung cầu trên thị trường. Đóng góp vào thành công của các cuộc đấu giá phải kể đến vai trò, uy tín của các CTCK tư vấn” - ông Tiến nhận định.

Chuyên đề