Cổ phần hóa không thể làm ào ào

(BĐT) - Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 tiếp tục yêu cầu Bộ Tài chính đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, đấu giá công khai tài sản nhà nước.
 
Tiến trình cổ phần hóa Mobifone, một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Ảnh: Lê Tiên
Tiến trình cổ phần hóa Mobifone, một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Ảnh: Lê Tiên

Loay hoay với cổ phần hóa, thoái vốn

Thực hiện yêu cầu này, Bộ Tài chính cho biết sẽ xây dựng Nghị định về chuyển doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần nhằm thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và Nghị định 116/2015/NĐ-CP. 

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước sắp xếp được 558 DNNN, trong đó, CPH 478 đơn vị, đạt 93% kế hoạch. Hiện tại số lượng DN CPH trong giai đoạn 2016 - 2020 chưa được công bố cụ thể. Theo giải thích của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính thì còn phải chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN. Căn cứ tiêu chí mới, Bộ Tài chính sẽ ban hành cụ thể danh sách DN CPH trong giai đoạn 2016 - 2020. Mặc dù chưa có tiêu chí phân loại DNNN mới, nhưng Bộ này dự kiến, giai đoạn 2016 - 2020, cả nước sẽ CPH 250 - 280 DN, trong đó quý I/2016 đã CPH được khoảng 30 đơn vị.  

Đánh giá về kết quả CPH giai đoạn 2011 - 2015, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), ông Nguyễn Anh Dũng cho rằng, về số lượng DN được chuyển đổi sở hữu có thể coi là đạt mục tiêu đặt ra. Nhưng về chất lượng, cụ thể là số vốn nhà nước được bán thì còn quá thấp so với yêu cầu. Hiện rất nhiều DN được đổi tên là công ty cổ phần, nhưng trên thực tế Nhà nước vẫn nắm giữ 80 - 90% vốn điều lệ, nên dù có gọi tên là gì đi chăng nữa thì bản chất vẫn là DNNN vì mọi vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, kế hoạch, chiến lược, bộ máy nhân sự lãnh đạo của DN vẫn do đại diện vốn nhà nước tại DN quyết định trên cơ sở chỉ đạo của cơ quan chủ quản.

Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 5 năm vừa qua, tổng giá trị phần vốn nhà nước bán được chỉ đạt khoảng 27.000 tỷ đồng (thu về 35.169 tỷ đồng), tức là mới bán được khoảng 2,1% vốn nhà nước tại DN. Còn tính từ năm 2000 đến nay, tổng số vốn bán được ước vào khoảng 55.000 - 57.000 tỷ đồng, tức là mới bán được khoảng trên dưới 5% tổng số vốn nhà nước đầu tư tại DN hiện tại vào khoảng 1,2 - 1,3 triệu tỷ đồng.

Chất lượng CPH chưa cao, theo người đứng đầu ngành tài chính là do thị trường tài chính, thị trường chứng khoán chưa trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. “Trong tình hình hiện nay, CPH, thoái vốn phải làm từng bước chắc chắn, có lộ trình, có trật tự. Bởi nếu không cẩn thận dễ gây ra thất thoát tài sản nhà nước. Chúng ta rất sốt ruột, nhưng không được nóng vội để bảo đảm nguyên tắc đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình đổi mới, sắp xếp DNNN”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Chờ tiêu chí phân loại doanh nghiệp mới

CPH phải có lộ trình, không nóng vội mà phải tính toán, cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Bởi nếu không, khi IPO, nhà đầu tư là tổ chức trung gian đứng ra “ôm cổ phiếu” sau đó bán lại để kiếm lợi thì mục tiêu CPH đạt được, nhưng mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của DN không đạt được vì không tìm được nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư muốn hợp tác lâu dài với DN
Tiến trình CPH, thoái vốn trong 4 tháng đầu năm 2016 có xu hướng chậm lại có nguyên nhân là các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty có tâm lý chờ đợi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới.

Luật DN năm 2014 và các quy định mới về đầu tư vốn nhà nước vào DN đã có hiệu lực, vì vậy theo ông Đinh Tiến Dũng, dứt khoát phải rà soát lại tiêu chí, phân loại lại DN. DN nào Nhà nước cần nắm giữ, DN nào Nhà nước không cần nắm giữ, mức nắm giữ đến bao nhiêu phải cụ thể, rõ ràng, minh bạch để nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu và tùy tình hình thị trường sẽ thoái vốn dần.

Ngoài ra, Chính phủ phải tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty để tránh tình trạng không xử lý được người đứng đầu DN chậm CPH. “Cụ thể là phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN. Tức là phải rà soát lại việc phân công, phân cấp, phân quyền cho các bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong vấn đề chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN. Đồng thời với tăng cường kiểm tra, giám sát tiến trình và hiệu quả CPH cũng như thoái vốn nhà nước tại DN”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm CPH, thoái vốn là con đường duy nhất để đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DN, nhưng ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV Vinachem cho rằng, không thể làm ào ào. Bởi với những DN làm ăn kém hiệu quả dù muốn bán cũng chẳng có người mua. Với tình hình thị trường chứng khoán như hiện nay, nếu cố tình IPO những DN làm ăn kém hiệu quả, chất lượng hàng hóa thấp rất dễ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước vì cổ phiếu có chất lượng cao bán không “được giá” do bị thị trường “pha loãng” với cổ phiếu chất lượng thấp.

Ông Đặng Quyết Tiến cũng cho rằng, mặc dù sốt ruột trước tiến độ CPH, thoái vốn diễn ra chậm chạp, nhưng không được nóng vội vì số lượng DN phải CPH trong giai đoạn 2016 - 2020 sau khi có tiêu chí, phân loại DNNN mới cũng không còn nhiều, nhưng trong đó có rất nhiều DN “khủng” như Tập đoàn Công nghiệp Cao su (VRG), Mobifone… “CPH phải có lộ trình, không nóng vội mà phải tính toán, cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Bởi nếu không, khi IPO, nhà đầu tư là tổ chức trung gian đứng ra “ôm cổ phiếu” sau đó bán lại để kiếm lợi thì mục tiêu CPH đạt được, nhưng mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của DN không đạt được vì không tìm được nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư muốn hợp tác lâu dài với DN”, ông Tiến phát biểu.

Chuyên đề