Cổ phần hóa để được gì?

(BĐT) - Việc cổ phần hóa (CPH), sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang được đẩy mạnh triển khai. Lúc này, mục tiêu cần thiết là số lượng phải đi đôi với chất lượng, để CPH không mang tính hình thức và vốn Nhà nước bán ra không bị “hớ” vì việc định giá quá thấp.
Nếu đấu giá công khai phần vốn nhà nước tại Vinamilk, có thể thu được khoảng 4 tỷ USD. Ảnh: D. Trí
Nếu đấu giá công khai phần vốn nhà nước tại Vinamilk, có thể thu được khoảng 4 tỷ USD. Ảnh: D. Trí

Vốn nhà nước chưa được định giá đúng

Nhiều DNNN khi tiến hành thoái vốn đã định giá phần vốn nhà nước quá thấp, khi đưa ra bán công khai đã thu về giá trị lớn hơn rất nhiều, có trường hợp gấp ba, bốn chục lần.

Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN về thoái vốn nhà nước tại DN, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Lương thực miền Bắc và 3 địa phương thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại DN khác với tổng giá trị theo sổ sách là 659 tỷ đồng, thu về 2.255 tỷ đồng.

Trong đó, phần vốn nhà nước tại một số DN đã bán được với giá trị gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách như: Công ty CP Du lịch Kim Liên (giá trị sổ sách 31 tỷ đồng, bán được 1.000 tỷ đồng, gấp 32 lần), Công ty CP Nước khoáng Vĩnh Hảo (giá trị sổ sách 16 tỷ đồng, bán được 109 tỷ đồng, gấp 6,8 lần), Công ty CP Du lịch Đồ Sơn (giá trị sổ sách 4,5 tỷ đồng, bán được 155 tỷ đồng, gấp 34 lần), Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (giá trị sổ sách 98 tỷ đồng, bán được 439 tỷ đồng, gấp 4,4 lần). Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, đây đều là những DN đang quản lý đất đai ở những vị trí đắc địa hoặc quản lý tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản.

Câu chuyện bán được giá này theo lẽ thường là nên vui, nhưng theo nhiều chuyên gia, với những trường hợp này, thực chất không phải bán được giá mà là bán được đúng giá, vì giá xác định ban đầu là quá thấp.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, việc thoái vốn DNNN chỉ cần làm sớm, làm đúng theo giá thị trường, chưa cần đổi mới, sáng tạo gì, cũng sẽ thu được nguồn vốn lớn. Trường hợp của Công ty CP Du lịch Kim Liên là một ví dụ. Thứ trưởng Đặng Huy Đông ước tính trường hợp của Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk, nếu định bán theo lô thì phần vốn nhà nước hơn 45% tại công ty này chỉ được khoảng 1 tỷ USD, nhưng nếu đấu giá công khai ra thị trường, thu hút nhà đầu tư nước ngoài, sẽ được giá tầm 4 tỷ USD.

Như cách nói của Thứ trưởng Đông, một số tên tuổi lớn trong danh sách phải đẩy nhanh CPH giai đoạn 2016 - 2020, như Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng công ty Phát điện 3 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone,... nếu định giá đúng, tổ chức đấu giá công khai, chắc chắn sẽ không rơi vào tình trạng bán 1 được ba, bốn chục mà “không biết nên vui hay buồn”.

Lượng phải đi đôi với chất 

Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, từ đầu năm đến ngày 29/4/2016, cả nước đã cổ phần hóa 34 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP. Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương, Kon Tum, Gia Lai, Bến Tre và Tập đoàn Công nghiệp Cao su.

Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm đã thành lập Ban chỉ đạo CPH của 60 DN, đã công bố giá trị DN của 32 DN. Hiện 79 DN đang được xác định giá trị DN.

Trong tháng 5 này, tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới dự kiến sẽ được ban hành để làm cơ sở cho việc xây dựng và phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, mục tiêu đến năm 2020, số lượng DNNN còn 200 DN, giảm 50% so với số lượng tại thời điểm năm 2015.

Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một mục tiêu không dễ, bởi vì giai đoạn này sẽ CPH rất nhiều “ông lớn”. Cho đến nay, CPH chủ yếu tiến hành đối với các DNNN quy mô nhỏ để giảm mạnh số lượng DNNN. Số DNNN còn lại chưa CPH và sẽ CPH tiếp phần lớn là những DNNN quy mô lớn, chủ yếu là tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá: Việc CPH các DNNN quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty khó tiến hành hơn vì có nhiều vấn đề hơn DNNN nhỏ. Nhiều tồn tại ở khu vực DNNN lớn, như: tài sản, nợ không rõ ràng, quản trị DN yếu, thiếu minh bạch sẽ làm nản lòng nhà đầu tư mới.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, việc CPH trong nhiều trường hợp chỉ mang tính hình thức, theo mệnh lệnh hành chính, dẫn đến nhiều DN sau CPH chỉ là “bình mới rượu cũ”, chưa thoát ra khỏi phương thức hoạt động của DNNN cũ.

Về vấn đề thoái vốn, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hiện đang có vấn đề khi chúng ta chọn DN thua lỗ, phá sản, khó khăn để thoái vốn trước, còn những DN mà nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng chờ đợi như trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông thì lại để đấy hoặc chần chừ chưa thoái vốn. DN sinh lời thì giữ, DN thị trường không hấp thụ thì dùng ý chí để yêu cầu CPH, thoái vốn như vậy thì không thể hiệu quả.

Chuyên đề