Chật vật thoái vốn khỏi ngân hàng

(BĐT) - Một loạt doanh nghiệp (DN) đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi ngân hàng thương mại thông qua kênh đấu giá tại các sở giao dịch chứng khoán. Đây là thách thức rất lớn do cung đang vượt cầu.
Mobifone dự kiến đấu giá 14,2 triệu cổ phiếu TPBank vào ngày 25/4/2016. Ảnh: Minh Anh
Mobifone dự kiến đấu giá 14,2 triệu cổ phiếu TPBank vào ngày 25/4/2016. Ảnh: Minh Anh

Dưới mệnh giá, vẫn khó bán

Thực hiện thoái hết vốn đầu tư tại các DN liên kết theo chủ trương đã được phê duyệt, Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) vừa lên kế hoạch bán hơn 33,42 triệu cổ phần (CP) tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank), tương ứng 6,11% vốn điều lệ ngân hàng này. Theo kế hoạch đợt đấu giá diễn ra ngày 25/4/2016 với giá khởi điểm 9.600 đồng/CP.

Nói về lý do đưa ra giá dưới mệnh giá, Mobifone cho biết, giá khởi điểm để tổ chức đấu giá công khai được xác định trên cơ sở kết quả của đơn vị chức năng thẩm định giá nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đã được trích lập bổ sung đầy đủ theo đúng quy định. Căn cứ chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH Kiểm toán và Thẩm định giá Việt Nam về thẩm định giá CP SeAbank, giá khởi điểm cổ phiếu này là 9.600 đồng/CP.

Có nhiều điểm đáng chú ý được nhấn mạnh trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán của SeAbank.  Một là, tại ngày 31/12/2014, SeAbank có dư nợ cho vay đối với Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Các khoản cho vay này đang thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước.

Hai là, Ngân hàng đang theo dõi khoản cho vay Công ty CP Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon) là công ty con thuộc Vinalines trên khoản mục cho vay khách hàng. Theo đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012 - 2015, Falcon thuộc danh sách DN thực hiện phá sản. Giá trị thu hồi của khoản cho vay Falcon sẽ phụ thuộc vào giá trị thanh lý của các tài sản bảo đảm cho khoản vay này và các tài sản khác của Falcon mà Ngân hàng được tham gia phân chia theo quy định của Luật Phá sản.

Ngoài ra, các khoản mua nợ của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản SeAbank đang được trích lập dự phòng theo chế độ tài chính áp dụng cho loại hình công ty quản lý nợ và khai thác tài sản. Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản SeAbank đang trong quá trình chuẩn bị thanh lý các tài sản bảo đảm nên chưa xác định được giá trị thu hồi của các tài sản bảo đảm liên quan đến các khoản mua nợ này. 

Theo phân tích của các chuyên gia chứng khoán, thoái vốn khỏi ngân hàng tại thời điểm này thực sự khó khăn nếu không có sự tham gia của các “ông lớn” có tiềm lực thực sự và nuôi mộng ôm ngân hàng. 
Ngoài thoái vốn tại SeAbank, ngày 25/4/2016, Mobifone sẽ đấu giá 14,2 triệu CP Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), tương ứng 2,58% vốn điều lệ Ngân hàng, với giá khởi điểm 8.900 tỷ đồng. Theo thông báo của Sở GDCK Hà Nội, đến nay đã có 6 nhà đầu tư (trong đó 2 nhà đầu tư tổ chức, 4 nhà đầu tư cá nhân) đăng ký mua 8,7 triệu CP. Như vậy, dù các nhà đầu tư đã đăng ký đấu giá không bỏ cuộc, hơn 5 triệu CP TPBank thuộc sở hữu của Mobifone đem ra bán vẫn bị ế.

Ngoài Mobifone, ngày 12/5/2016 tại Sở GDCK TP.HCM, Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) sẽ bán đấu giá 12,3 triệu CP Ngân hàng TMCP Việt Á với giá khởi điểm: 11.800 đồng/CP. Trên thị trường OTC, giá CP này đang giao dịch dưới mệnh giá, nên khả năng thành công của thương vụ này đang là một ẩn số.

Muốn thoái vốn ngân hàng, phải nhờ “ông lớn”

Tại Hội nghị Kiểm điểm tiến độ thực hiện Quyết định số 314/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, Tập đoàn này đã rút hết vốn khỏi 5 đơn vị trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Trước khi thoái vốn khỏi SHB, Vinacomin sở hữu khoảng 36,3 triệu CP tương đương 4,09% vốn điều lệ của Ngân hàng này. Một giao dịch thỏa thuận được thực hiện bằng đúng số lượng CP trên diễn ra trong một phiên giao dịch. Nếu không phải là một tổ chức đứng ra “ôm”, phải mất rất nhiều thời gian Vinacomin mới có thể thoái hết số CP nêu trên nếu bán trên sàn. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cũng thoái thành công CP SHB với số lượng tương ứng. Điều may mắn đối với hai tập đoàn này là giá bán CP trên mệnh giá, nên khoản đầu tư vào SHB được đánh giá là khá hiệu quả.

Ngoài Vinacomin, VRG, thời gian qua đã có một số DNNN như Tập đoàn Điện lực (EVN) giảm tỷ lệ sở hữu ở Ngân hàng An Bình (ABBank) từ mức gần 22% xuống còn 16%, hay Vietnam Airlines thoái hết 2,72% vốn ở Techcombank. Tuy nhiên, nhiều tập đoàn vẫn chưa thoái hết vốn khỏi ngân hàng như Tập đoàn Dầu khí, VNPT hay Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Theo phân tích của các chuyên gia chứng khoán, thoái vốn khỏi ngân hàng tại thời điểm này thực sự khó khăn nếu không có sự tham gia của các “ông lớn” có tiềm lực thực sự và nuôi mộng ôm ngân hàng. Một mặt do thị trường chứng khoán không thuận lợi, mặt khác nội tại ngân hàng đang rất khó khăn khiến CP ngân hàng không còn hấp dẫn. Đó là chưa kể đến hàng chục mã CP ngân hàng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung đang có mức giá giao dịch khá thấp, thanh khoản èo uột. Trong khi đó, không ít ngân hàng trong diện thoái vốn của DNNN lại chưa niêm yết nên nhà đầu tư không mấy mặn mà. Một rủi ro nữa là công cuộc tái cấu trúc ngân hàng vẫn tiếp tục triển khai nên chưa biết ngân hàng nào sẽ nằm trong tầm ngắm mua bán, sáp nhập.  Do đó, để thoái vốn thành công, không loại trừ khả năng vào cuộc của chính các cổ đông sáng lập, cổ đông lớn tại các ngân hàng TMCP đang bị bán ra cổ phiếu.      

Chuyên đề