Bán vốn tại Sabeco và Habeco: Tiến hành theo 3 bước để tránh “đi đêm”

Sau khi lên sàn, việc thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB- HOSE) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN- HOSE) đang được khởi động. Tuy nhiên, bán như thế nào cho được giá và hiệu quả đang là bài toán khó khi cả hai mặt hàng này đều cùng chủng loại.
Bán vốn tại Sabeco và Habeco: Tiến hành theo 3 bước để tránh “đi đêm”

Bán sao tránh ế như VNM

 Đều là cổ phiếu ngành bia, việc bán vốn tại SAB và BHN, theo góc nhìn của một số chuyên gia, phải có cách làm, nếu không dễ rơi vào thế bị ép giá hoặc ế.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cảnh báo, nếu bán SAB và BHN không khéo sẽ khiến “ông chủ” (Nhà nước) không được lợi ích tối ưu, bởi đây đều là các cổ phiếu ngành bia với nhiều đặc điểm tương đồng. Do đó, nếu Nhà nước thoái vốn tại cả hai doanh nghiệp này cùng thời điểm như cách đang khởi động hiện tại, thì sẽ gây nên tình trạng dư cung, dễ khiến nhà đầu tư ép giá.

Việc bán vốn sẽ cần theo lộ trình phù hợp, dựa trên thăm dò nhu cầu thực của thị trường, để tránh tình trạng không lường được sức cầu, không tiêu thụ hết, ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín doanh nghiệp và uy tín ông chủ bán vốn.
 “Đó là điều rất cần tránh, không chỉ trong thoái vốn Nhà nước ở các công ty đã cổ phần hóa, mà còn tại các doanh nghiệp nhà nước đang và sắp cổ phần hóa. Đừng để tái diễn tình trạng như SAB và BHN là sau nhiều năm chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), thị trường, nhà đầu tư chờ dài cổ thì chẳng thấy đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng khi niêm yết, cũng như tổ chức thoái vốn thì lại dồn dập, quá sát nhau về mặt thời gian, khiến quá trình thoái vốn chưa chắc đã đạt hiệu quả tối ưu…”, ông Cung nói.

Dẫn ra bài học thoái vốn gần đây tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), một doanh nghiệp luôn được giới đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại săn mua mà còn bị… ế, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thừa nhận, cần có cách bán hàng hiệu quả hơn cho các đợt thoái vốn lớn hiện nay.

Ba bước để tránh “đi đêm” khi thoái vốn

Theo chỉ đạo của Chính phủ, sau khi lên sàn, Nhà nước sẽ thoái vốn tại SAB và BHN, vì đây là lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Giá cổ phiếu SAB và BHN trên sàn là một trong những tiêu chí để tham chiếu khi xây dựng phương án thoái vốn. Diễn biến giá cổ phiếu SAB và BHN đang khá thuận, khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/3, SAB dừng ở mức 209.000 đồng/cổ phiếu, còn BHN chốt ở mức 93.100 đồng/cổ phiếu.

Mức giá trên, theo ông Tiến, chỉ là một nguồn để tham chiếu. Cũng theo ông Tiến, việc thoái vốn Nhà nước tại SAB và BHN sẽ được tiến hành theo cách xác định lại giá trị doanh nghiệp trước khi xây dựng phương án thoái vốn, bởi đây là hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu vốn Nhà nước, chứ không đơn thuần là hoạt động bán vốn.

Việc thoái vốn không triển khai theo kiểu khớp lệnh trên sàn, hay thỏa thuận ngay từ đầu, mà phải tiến hành theo 3 bước để tránh “đi đêm” dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.

Đó là sau khi đấu giá công khai không bán được, doanh nghiệp sẽ tiến hành chào bán cạnh tranh. Nếu vẫn không bán được vốn, thì mới cho phép doanh nghiệp bán vốn qua hình thức thỏa thuận.

Ngay cả khi bán vốn qua hình thức cuối cùng này, thì các bên tham gia phải đảm bảo việc bán - mua vốn diễn ra công khai, minh bạch, mang lại hiệu quả cao nhất cho Nhà nước.

Liên quan đến lộ trình bán vốn nhà nước ở SAB và BHN, ông Tiến cho biết, lẽ ra sau cổ phần hóa, Bộ Công thương phải chuyển giao hai doanh nghiệp này về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để quản lý và thực hiện việc thoái vốn, nhưng đến nay cả hai doanh nghiệp này đều vẫn do Bộ Công thương làm cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, lộ trình thoái vốn tại SAB và BHN hiện do Bộ Công thương chủ động đề xuất với Chính phủ để triển khai.

Sau bài học thoái vốn ế của VNM, ông Tiến cho biết, là những doanh nghiệp lớn, việc thoái vốn tại SAB và BHN sẽ phải tính toán rất kỹ, để không tác động tiêu cực đến diễn biến của thị trường chứng khoán trong bối cảnh quy mô và sức cầu của thị trường còn nhỏ.

Việc bán vốn sẽ cần theo lộ trình phù hợp, dựa trên thăm dò nhu cầu thực của thị trường, để tránh tình trạng không lường được sức cầu, không tiêu thụ hết, ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín doanh nghiệp và uy tín ông chủ bán vốn.

Liên quan đến việc Carlsberg đang yêu cầu được ưu tiên mua lại cổ phần nhà nước tại BHN theo điều khoản hợp đồng đầu tư chiến lược hai bên đã ký trước đó (Carlsberg đang nắm giữ hơn 17% cổ phần BHN), ông Tiến cho hay, được biết kèm theo quyền lợi này, hợp đồng hai bên ký kết còn có điều khoản Carlsberg cam kết tuân thủ các nghĩa vụ với BHN. Tuy nhiên, nhiều điều khoản Carlsberg đã không tuân thủ đúng và đáng ra phải bị xử lý trách nhiệm, nên cam kết giữa hai bên không thể đảm bảo tính hiệu lực.

Do đó, việc Carlsberg yêu cầu được ưu tiên mua lại cổ phần khi Nhà nước thoái vốn tại BHN có hợp tình, hợp lý không cần được xem xét thấu đáo, tránh vì yêu cầu từ một bên làm ảnh hưởng đến tiến độ, cũng như hiệu quả thoái vốn của Nhà nước. 

Chuyên đề