Agribank thoái vốn 2 công ty con kinh doanh kém

(BĐT) - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) sẽ tiến hành bán đấu giá cổ phần (CP) nắm giữ tại Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam (AJC) và Công ty CP Du lịch thương mại nông nghiệp Việt Nam (Agritour) vào ngày 15/12 tới. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đáng chú ý, mức giá khởi điểm mà Agribank đưa ra đều cao hơn nhiều so với mệnh giá trong khi kết quả kinh doanh của 2 doanh nghiệp này đều không mấy “sáng sủa”. 

Dự kiến thu về ít nhất gần 276 tỷ đồng

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, ngày 15/12, Agribank sẽ bán 5,29 triệu CP của Agritour (tương đương 23% tổng số cổ phần đang lưu hành) mà Agribank đang nắm giữ với giá khởi điểm là 18.990 đồng/CP, tăng gần 90% so với mệnh giá 10.000 đồng/CP.

Agritour tiền thân là Công ty Du lịch - Thương mại nông nghiệp được thành lập năm 1955, được cổ phần hóa vào giữa năm 2007. Hiện tại, Công ty có vốn điều lệ 230 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng và các công trình phục vụ du lịch và dân dụng;…

Trong ngày 15/12, Agribank cũng sẽ thực hiện bán đấu giá hơn 12,6 triệu CP AJC với giá khởi điểm là 13.900 đồng/CP, cao hơn 39% so với mệnh giá 10.000 đồng/CP. Với vốn điều lệ của AJC đang ở mức 206 tỷ đồng, thì lượng CP đấu giá của Agribank tương ứng 61,24% vốn của AJC.

AJC là doanh nghiệp chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu vàng, bạc, đá quý, hàng trang sức, mỹ nghệ; sản xuất, chế tác vàng miếng, hàng trang sức, vàng, bạc, đá quý, hàng mỹ nghệ… Doanh nghiệp này được thành lập năm 1994 và được cổ phần hóa thành công vào tháng 9/2008. Ngoài Agribank, 2 cổ đông chiến lược của AJC là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) và Tập đoàn Nam Cường.

Như vậy, nếu 2 phiên đấu giá trên diễn ra thành công, Agribank sẽ thu về ít nhất gần 276 tỷ đồng. 

Kinh doanh kém hiệu quả

Theo tìm hiểu, trong giai đoạn 2014 - 2016, doanh thu thuần và lợi nhuận của Agritour liên tục giảm sút. 6 tháng đầu năm 2017, Agritour đạt gần 20 tỷ đồng doanh thu, bằng 24% so với cùng kỳ năm 2016 và lợi nhuận âm 0,78 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2016 đạt gần 1,37 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý về tình hình tài chính của Agritour là lượng tiền mặt của Công ty chỉ vỏn vẹn trên dưới 1 tỷ đồng trong khi là một doanh nghiệp kinh doanh thương mại có vốn điều lệ lên đến 230 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý II/2017, tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản tiền gửi ngân hàng của Agritour là 430 triệu đồng.

Chiếm phần lớn trong tổng tài sản của Agritour hàng năm là khoản mục nợ phải thu ngắn hạn, chiếm trên 80%. Tại thời điểm 30/6/2017, nợ phải thu của Agritour là 773,8 tỷ đồng, chiếm 87% tổng tài sản. Báo cáo tài chính bán niên năm 2017 và năm 2016 không chỉ rõ khách hàng nào đang mua chịu hàng hóa và dịch vụ của Công ty. Tuy nhiên, Báo cáo tài chính giai đoạn 2014 - 2015 cho thấy, vị khách hàng này là Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Năm Sao.

Cụ thể, năm 2014, nợ phải thu từ Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Năm Sao là hơn 458,3 tỷ đồng (chiếm 76% tổng nợ phải thu ngắn hạn), năm 2015 là 581,8 tỷ đồng (chiếm 79% tổng nợ phải trả). Nếu khoản nợ phải thu từ Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Năm Sao không được quản lý kỹ và trở thành nợ xấu thì có thể gây ra thất thoát tài sản lớn cho Công ty. Theo Báo cáo tài chính năm 2015, Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Năm Sao nắm giữ 36,7% vốn điều lệ của Agritour.

Đối với AJC, 9 tháng đầu năm 2017, doanh nghiệp này đạt 745,8 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 1,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 18,6% và 73% so với cùng kỳ năm 2016. Lỗ lũy kế đến hết quý III/2017 là gần 9 tỷ đồng.

Doanh thu của AJC trong giai đoạn 2013 - 2016 cũng liên tục giảm sút. Cụ thể, doanh thu năm 2013, 2014, 2015 và 2016 lần lượt là 4.263 tỷ đồng, 1.710 tỷ đồng, 1.467 tỷ đồng và 1.201 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 3 năm gần đây nhất: 2014, 2015 và 2016 lần lượt là 1,3 tỷ đồng, âm 11,5 tỷ đồng và gần 3 tỷ đồng.

Với một doanh nghiệp quy mô vốn điều lệ 206 tỷ đồng, lợi nhuận của AJC là rất khiêm tốn.

Chuyên đề