Xuất hiện xu hướng giảm lãi suất

(BĐT) - Tuần qua thị trường tiếp tục chứng kiến lãi suất huy động (LSHĐ) của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) được điều chỉnh giảm. Báo Đấu thầu đã phỏng vấn Tiến sĩ Bùi Quang Tín thuộc Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM xung quanh vấn đề này.
Ngân hàng là nơi trú ẩn an toàn khi thị trường chứng khoán và bất động sản kém hấp dẫn. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng là nơi trú ẩn an toàn khi thị trường chứng khoán và bất động sản kém hấp dẫn. Ảnh: Lê Tiên

Thời gian vừa qua thị trường tiếp tục chứng kiến LSHĐ được điều chỉnh giảm. Không chỉ các NHTM có vốn nhà nước chi phối mà cả các NHTM cổ phần quy mô nhỏ cũng đã điều chỉnh giảm LSHĐ. Nguyên nhân là do đâu, thưa ông?

Xuất hiện xu hướng giảm lãi suất ảnh 1
Tiến sĩ Bùi Quang Tín
Có nhiều lý do để các ngân hàng giảm LSHĐ, tuy nhiên theo tôi, có ít nhất 5 lý do sau:

Thứ nhất, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính tới cuối tháng 5/2018, tín dụng tăng khoảng 6% so với thời điểm cuối 2017. Trong khi đó, trong 5 tháng đầu năm 2018, huy động vốn bằng VND đã tăng 7,4% - cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ 2017. Khoảng chênh lệch giữa cho vay và huy động vốn là 1,4% tương ứng hàng nghìn tỷ đồng. Số dư đó nằm rải rác ở các ngân hàng, nhất là các NHTM lớn vì 4 NHTM lớn nhất Việt Nam gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đã chiếm gần 55% thị phần về vốn. Do đó, các “ông lớn” này dư vốn, họ sẽ giảm ngay LSHĐ. Khi các “ông lớn” giảm LSHĐ, bắt buộc các “ông nhỏ” phải giảm lãi suất theo.

Thứ hai, nếu nhìn vào biểu lãi suất liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được công bố vào ngày 22/6 cho thấy lãi suất qua đêm là 0,69%/năm, lãi suất tuần là 0,8%/năm, lãi suất hàng tuần là 1,05%, lãi suất tháng là 1,61%, ở kỳ hạn 1 tháng trở xuống doanh số chiếm 90% giao dịch, tức lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng là rất thấp. Mức này thấp gần bằng thời điểm thấp nhất trong lịch sử LSHĐ vốn trong thị trường giao dịch liên ngân hàng. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, vốn tạm thời nhàn rỗi của các tổ chức tín dụng (TCTD) khá dồi dào với mức dư thừa dự trữ bắt buộc gửi tại NHNN cao. Chính vì thế ngày càng có nhiều hơn NHTM điều chỉnh giảm LSHĐ để tiết giảm chi phí.

Thứ ba, dự kiến trong năm 2018, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ đạt khoảng 17%. Tất nhiên, NHNN sẽ điều chỉnh linh hoạt theo tình hình của thị trường, nhưng theo dự báo tới thời điểm này, NHNN có thể sẽ giữ ở mức 17%. Trong khi đó theo số liệu thống kê, tới thời điểm này (cuối tháng 6) có nhiều ngân hàng đã tăng trưởng trên 7% - 8%, có ngân hàng đạt được 9%. Điều đó chứng tỏ trong 2 quý còn lại của 2018, room tăng trưởng tín dụng gần như không còn nhiều. Do đó, nếu các NHTM vẫn huy động vốn, bắt buộc phải giảm LSHĐ.

Thứ tư, trung bình thanh khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM trước đây khoảng 10 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại là 1,5 nghìn tỷ đồng. Với tình trạng này, khách hàng sẽ không đầu tư vào thị trường chứng khoán mà sẽ chuyển dòng tiền vào ngân hàng với kỳ hạn ngắn. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng đang chững lại, do đó các dòng tiền đầu tư vào bất động sản tạm thời chuyển sang thị trường ngân hàng để hưởng lãi suất. Đấy cũng là những nguyên nhân khiến cho LSHĐ của nhiều NHTM được điều chỉnh.

Thứ năm, lạm phát dự kiến giữ ở mức 4% thì lãi suất bình quân huy động trên thị trường tầm khoảng 4,5% - 5%. Lấy 4,5 - 5% trừ đi lãi suất lạm phát vẫn còn lãi suất thực dương. Với mức đó hệ thống ngân hàng có thêm điều kiện để giảm LSHĐ. Trong khi đó các ngân hàng đang có sự "đồng thuận" cao trong đợt giảm LSHĐ này. Nếu như trước đây họ khá e dè trong điều chỉnh giảm LSHĐ vì sợ khách chạy sang ngân hàng khác, thì nay thị trường đã vào quy củ, không có chuyện tranh giành, cạnh tranh không lành mạnh. 

Theo ông, việc NHTM giảm LSHĐ có khiến nguồn vốn huy động của ngân hàng sụt giảm trong thời gian tới?

Theo tôi là không, bởi ngân hàng đang là nơi trú ẩn an toàn khi thị trường chứng khoán và bất động sản đang có vấn đề như đã nói ở trên. Chưa tính rằng thông thường luồng tiền từ các doanh nghiệp sẽ dư vào giữa năm vì họ thường tập trung đầu tư vào quý cuối năm và quý I đầu năm sau. Với những yếu tố đó thì nguồn vốn vào ngân hàng sẽ vẫn tăng trưởng tốt. 

Trong bối cảnh LSHĐ giảm, liệu lãi suất cho vay có được giảm theo hay không, thưa ông?

Để giảm lãi suất cho vay phải phụ thuộc nhiều vào yếu tố như room tăng trưởng tín dụng sắp tới. Nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tới 9%, giờ giảm lãi suất cho vay sẽ dễ xảy ra tình trạng “vỡ đê” nếu khách hàng có nhu cầu vay cao.

Tuy nhiên nếu đà giảm LSHĐ mạnh hơn thì lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên sẽ giảm trước. Đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro sẽ khó được điều chỉnh, bởi NHNN không khuyến khích cho vay đối với các lĩnh vực này.

LSHĐ kỳ hạn 1 tháng của các NHTM như Vietcombank, BIDV, VietinBank... đang phổ biến ở mức 4,1% đến 4,6%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 4,6%/năm. Các kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng LSHĐ phổ biến từ 5,1% đến 6,4%/năm. LSHĐ cùng kỳ hạn ở các NHTM cổ phần nhỏ thường nhỉnh hơn từ 0,1 - 0,3% so với nhóm NHTM lớn. So sánh với thống kê của NHNN từ báo cáo của các TCTD, tuần từ ngày 4 - 8/6/2018, LSHĐ của các TCTD kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,3 - 5,5%/năm; 5,3% - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5% - 7,3%/năm.

Chuyên đề