Xử lý tài sản bảo đảm: Không vội được đâu!

Theo quy định của pháp luật, thời gian tố tụng dao động trong khoảng 2-4 tháng, tuy nhiên, thực tế, thời gian này kéo dài hơn, thậm chí để xử lý được tài sản thu hồi vốn, kể từ thời điểm nộp đơn khởi kiện cho đến lúc thi hành án xong, có thể mất nhiều năm.
Xử lý tài sản bảo đảm: Không vội được đâu!

Giải quyết tranh chấp tín dụng tại tòa án và xử lý tài sản bảo đảm chậm, nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) là vấn đề đã được đề cập rất nhiều lần. Trong thời gian tới, với việc những quy định mới bắt đầu có hiệu lực, thị trường trông đợi sẽ có những thay đổi, tuy nhiên, không ít thành viên thị trường vẫn tỏ thái độ dè dặt.

Tại buổi Tọa đàm Giải quyết tranh chấp tín dụng tại tòa án và xử lý tài sản bảo đảm do IFC, Tòa án nhân dân tối cao, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp tổ chức cuối tuần trước, bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp cho biết, năm 2015, có 16.932 vụ việc có tài sản bảo đảm phải thi hành đối với các TCTD; 3.043 việc đã thi hành xong. Kết quả thống kê 6 tháng đầu năm 2016, có 16.433 việc có tài sản bảo đảm phải thi hành cho các TCTD, ngân hàng, số việc đã thi hành xong là 1.239 việc.

Bà Dung thừa nhận, kết quả thi hành án dân sự nói trên mặc dù có tiến bộ vượt bậc so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Kết quả thi hành án dân sự trong nửa đầu năm đã tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ thi hành án xong thấp; số việc thi hành án còn lớn; tiến độ thi hành án còn kéo dài, chậm trễ. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, khó khăn lớn nhất là số vụ việc và số tiền còn phải thi hành lớn, gồm 16.433 việc, tương ứng với số tiền hơn 60.399 tỷ đồng.

Với tư cách là thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng, ông Dương Thanh Minh cho biết, ông nhận được một số phản ánh của TCTD về thời gian tố tụng tương đối dài. Theo quy định của pháp luật, thời gian này dao động trong khoảng 2-4 tháng, tuy nhiên, thực tế, thời gian này kéo dài hơn, thậm chí để xử lý được tài sản thu hồi vốn, kể từ thời điểm nộp đơn khởi kiện cho đến lúc thi hành án xong, có thể mất nhiều năm.

“Bộ luật Tố tụng dân sự sắp tới cần có những cơ chế ấn định nguyên tắc xử lý rút gọn, nhằm bảo đảm thời gian ngắn nhất cho việc xử lý thu hồi”, ông Minh nhấn mạnh.

Một ví dụ cụ thể được Thẩm phán Phan Gia Quý, Chánh tòa Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân TP. HCM chia sẻ, trong trường hợp người khởi kiện không ghi rõ tên, địa chỉ của người bị kiện thì Tòa án yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung đơn kiện. Nếu không sửa đổi, bổ sung đơn kiện, Tòa án trả lại đơn kiện. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân TP. HCM có văn bản triển khai không thụ lý giải quyết các trường hợp không biết địa chỉ của người bị kiện hoặc người bị kiện đã bỏ đi khỏi địa chỉ trước khi nguyên đơn khởi kiện, nếu thụ lý thì đình chỉ giải quyết trả lại đơn khởi kiện…

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ phía khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan, theo bà Dung, là do chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự bị quá tải; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; khó khăn trong việc bán đấu giá tài sản đã kê biên đảm bảo thi hành án; các TCTD, ngân hàng chưa có cơ chế trong việc nhận tài sản bán đấu giá để trừ vào khoản vay; nhiều trường hợp người phải thi hành, khách hàng của ngân hàng thiếu hợp tác, trốn tránh, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản đã thế chấp; một số bản án, quyết định của tòa án chưa rõ ràng dẫn đến việc thi hành án khó khăn.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các TCTD chưa bài bản, khoa học, dẫn đến sự phối hợp có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất; công tác quản lý chỉ đạo, điều hành của một số lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự chưa quyết liệt, thiếu chủ động phối hợp với các ban, ngành có liên quan; công tác quản lý, chỉ đạo của một số TCTD, ngân hàng còn buông lỏng, không kiểm soát chặt chẽ dấn đến khách hàng mất khả năng thanh toán, cán bộ ngân hàng thiếu kinh nghiệm khi tham gia vào hoạt động tố tụng và thi hành án…

“Trong quá trình người dân thế chấp, bảo lãnh tài sản để vay vốn tín dụng, gần như không có trường hợp nào cơ quan chính quyền địa phương đưa ra khuyến cáo đối với người dân về rủi ro khi thế chấp. Tuy nhiên, khi cơ quan thi hành án tiến hành xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi tiền cho các TCTD thì trong một số trường hợp lại nêu đây là nhà (hoặc tài sản) duy nhất của người phải thi hành án để không phối hợp trong việc tổ chức thi hành án”, bà Dung nói.

Một điểm được ông Minh nhấn mạnh: “Với sự ra đời của Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp khách hàng không bàn giao tài sản, TCTD chỉ còn cách khởi kiện chứ không còn được thực hiện các biện pháp để xử lý, thu hồi. Đây là điều chúng ta cần sự nghiên cứu, tiếp tục bổ sung nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho TCTD trong quá trình xử lý thu hồi vốn”.

Chuyên đề