Xử lý nợ xấu, nhiều bộ, ngành vào cuộc

(BĐT) - Ngay sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), ngày 21/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Một trong những vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu thời gian vừa qua là xử lý tài sản đảm bảo. Ảnh: Gia Khoa
Một trong những vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu thời gian vừa qua là xử lý tài sản đảm bảo. Ảnh: Gia Khoa

Nghị quyết gỡ vướng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh giá, Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu là văn bản pháp lý rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội. Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi, để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của TCTD, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Trên thực tế, một trong những vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu thời gian vừa qua là xử lý tài sản đảm bảo. Phát biểu tại Hội nghị, một số ngân hàng cho biết, có trường hợp khách hàng không trả nợ, ngân hàng nộp đơn ra Tòa án thì Tòa án không thụ lý do bên bị kiện không có mặt tại địa phương cư trú; hoặc có trường hợp đang thi hành án nhưng doanh nghiệp lách luật kéo dài thời gian, nộp đơn xin làm thủ tục phá sản dẫn đến Tòa án đình chỉ thi hành án, gây khó khăn cho việc xử lý nợ…

Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc NHNN cho biết, qua tổng kết kết quả xử lý nợ xấu giai đoạn trước, có nhiều vướng mắc về quy định pháp luật. Có quy định không còn phù hợp, hoặc có quy định nhưng không triển khai, hoặc triển khai không đúng, hoặc các quy định mâu thuẫn với nhau.

Với Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, các chính sách đã được tháo gỡ khá toàn diện. Các khoản nợ xấu được áp dụng chính sách thí điểm này là các khoản nợ xấu trước ngày 15/8/2017, được phân loại nợ nhóm 3, 4, 5. Thời gian hiệu lực của Nghị quyết, cũng như thời gian được áp dụng các chính sách thí điểm là 5 năm.

Về các chính sách thí điểm, một nội dung quan trọng là Nghị quyết quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Trước đây, các ngân hàng vẫn thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị định 163. Nhưng đến Bộ luật Dân sự 2015, không còn quy định về thu giữ tài sản bảo đảm dẫn đến khó khăn cho ngân hàng khi xử lý nợ xấu. Để giải quyết vướng mắc này, Nghị quyết 42 quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm nhưng phải thực hiện công khai thông tin như đăng tải trên website, gửi thông báo cho UBND cấp xã, niêm yết thông báo tại trụ sở UBND cấp xã nơi có tài sản bảo đảm và nơi có địa chỉ đăng ký của bên thế chấp... Bên cạnh đó còn có một số quy định quan trọng khác như quy định mua bán nợ xấu có tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai, áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết tranh chấp, cho phép chuyển nhượng dự án khi chưa có sổ đỏ... 

Mục tiêu rõ ràng, giải pháp cụ thể

Mặc dù hành lang pháp lý giải quyết các vướng mắc đã có, nhưng để các quy định phát huy hiệu quả trong xử lý nợ xấu, theo nhiều ý kiến tại Hội nghị, cần nỗ lực của các ngân hàng và hỗ trợ của các cơ quan liên quan.

Tại Chỉ thị triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu. Cụ thể, Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan thi hành án các cấp thực hiện các quy định về thi hành án dân sự liên quan đến khoản nợ xấu của các TCTD, VAMC theo quy định tại Nghị quyết; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã có hiệu lực pháp luật. Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế quán triệt, hướng dẫn chính sách liên quan đến thuế quy định tại Nghị quyết.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD theo quy định tại Nghị quyết. Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết tại địa phương, đặc biệt là trách nhiệm hỗ trợ TCTD, VAMC trong quá trình thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Sự vào cuộc của Chính phủ, NHNN là quyết liệt, tuy nhiên theo một số ngân hàng, các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ xấu, góp phần hạ lãi suất nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Chuyên đề