'Vua tôm' Minh Phú quay lại thị trường chứng khoán

Minh Phú đã thông báo chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch trên UPCoM sau gần 2 năm rời khỏi thị trường chứng khoán.
"Vua tôm" Minh Phú trở lại thị trường chứng khoán sau gần 2 năm rút lui.
"Vua tôm" Minh Phú trở lại thị trường chứng khoán sau gần 2 năm rút lui.

Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu MPC trên thị trường UPCoM thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). 

Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), ngày 27/9 sẽ là ngày chốt danh sách để lập sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán MPC. Kể từ 26/9, VSD sẽ ngừng nhận hồ sơ chuyển quyền sở hữu cổ phiếu này.

Việc giao dịch trên thị trường UPCoM đánh dấu sự trở lại của "Vua tôm" sau hơn 2 năm rời khỏi thị trường chứng khoán. Quyết định này được đưa ra cũng cùng thời điểm Minh Phú vừa ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến trong quý II, sau thời gian dài chìm trong khó khăn.

Cuối tháng 3/2015, ban lãnh đạo Minh Phú đã quyết định hủy niêm yết cổ phiếu MPC trên sàn HOSE, với thị giá thời điểm đó là 122.000 đồng. 

Đại diện Minh Phú khi đó cho biết công ty đang rất cần vốn nhưng thị trường chứng khoán không thuận lợi, giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị thực khiến công ty gặp khó trong phát hành thêm cổ phiếu. Việc rời sàn nhằm tìm đối tác chiến lược tái cơ cấu tập đoàn và đảm bảo nguồn vốn để phát triển. 

Tuy nhiên, ngay sau khi hủy niêm yết, "Vua tôm" đã tạo cú sốc cho thị trường chứng khoán với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Kết thúc năm 2015, Minh Phú chỉ đạt 12.200 tỷ doanh thu và lỗ sau thuế gần 7 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo công ty, hoạt động xuất khẩu của Minh Phú khi đó gặp nhiều khó khăn. Các nước Ấn Độ, Indonesia phá giá đồng tiền, khiến giá sản phẩm tôm từ các nước này trong năm 2015 chỉ bằng 50% so với các năm trước. Ngoài ra, chi phí nuôi tôm trong nước cao khiến giá tôm Việt Nam cao hơn các nước khác 20%. Với tình hình giá tôm ngày càng giảm, một số khách hàng đã ký hợp đồng trì hoãn nhận hàng hoặc hủy hợp đồng.

Từ vị thế của doanh nghiệp "muốn lợi nhuận bao nhiêu là quyền của Minh Phú", theo lời Chủ tịch Lê Văn Quang tại phiên họp thường niên 2014, "Vua tôm" rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. 

Dù vậy, với quyết định hủy niêm yết từ đầu năm, Minh Phú đã phần nào tránh được tác động tiêu cực từ phản ứng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Năm 2016, Minh Phú đặt mục tiêu hơn 16.300 tỷ đồng doanh thu và gần 550 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, đến hết năm, hoạt động của công ty vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn khi doanh thu chỉ gần 12.000 tỷ đồng với lợi nhuận vỏn vẹn 82 tỷ.

Niềm hy vọng của Minh Phú trở lại với kết quả tăng đột biến vào quý II năm nay. Công ty báo lãi gần 160 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, gấp 8 lần cùng kỳ, với doanh thu gần 6.400 tỷ đồng. Dù kết quả này vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu tham vọng được ban lãnh đạo Minh Phú đề ra từ đầu năm - 15.780 tỷ đồng doanh thu và 840 tỷ đồng lợi nhuận.

Chuyên đề