Vốn tín dụng chảy vào đâu?

(BĐT) - Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm nay đảo chiều so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Mặc dù tín dụng tăng trưởng tốt, nhưng tăng trưởng kinh tế dự báo đạt thấp, sản xuất trầm lắng, doanh nghiệp vẫn khó khăn, vậy tiền đang đổ vào đâu?
Ảnh: Lê Tiên
Ảnh: Lê Tiên

Tăng trưởng khá cao từ đầu năm

Tháng đầu tiên của năm 2017, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 1% so với đầu năm, đây là tháng 1 có tăng trưởng tín dụng tốt nhất trong 5 năm gần đây. 2 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng đã là 1,23%. Và đến 16/3/2017, theo số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 2,63% so với tháng 12 năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 1,54%).

Diễn biến này là khác xa so với quy luật cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Tháng 1/2016, tăng trưởng tín dụng âm 0,2%, cả quý I năm 2016 tăng 1,54%. Thông thường, quý I thường có mức tăng trưởng tín dụng chậm, vì thời điểm sau Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa được đẩy mạnh và nhu cầu vay tiêu dùng, mua, xây nhà của khách hàng cá nhân chưa cao.

Năm nay, tăng trưởng tín dụng “ấm” từ tháng đầu tiên của năm, theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, là một dấu hiệu rất tích cực, cho thấy ngay sau Tết các doanh nghiệp đã bắt đầu đi vay vốn thực hiện sản xuất, kinh doanh, chứ không chậm chạp như các năm trước. Đồng thời, đây cũng là kết quả của những chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ. 

Tín dụng có vào đúng địa chỉ?

Tính đến ngày 16/3/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,02%, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 2,48% so với tháng 12/2016. 
Ba tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, thì sản xuất công nghiệp lại tăng thấp hơn cùng kỳ 2016 rất nhiều. Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng khá cao. GDP quý I theo nhiều dự báo là tăng thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng sản xuất trầm lắng và doanh nghiệp khó khăn là do thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng. Thực tế này dẫn đến câu hỏi: Vậy tín dụng trong các tháng đầu năm chảy vào lĩnh vực nào, có vào sản xuất, kinh doanh hay lại vào bất động sản?

Chưa bình luận là tín dụng có đến đúng địa chỉ hay không, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, rất có thể có trường hợp tín dụng chỉ vào một vài khu vực doanh nghiệp ưu đãi trong một số lĩnh vực, trong đó có doanh nghiệp nhà nước, còn đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận. Đồng thời, số liệu tăng trưởng tín dụng cũng phải loại trừ ra phần không giúp gì cho sản xuất kinh doanh, chỉ mang tính kỹ thuật.

Ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó tiếp cận vốn tín dụng, vì không có tài sản bảo đảm và phương án sản xuất, hoạt động rủi ro. Trong điều kiện này, sự cẩn thận của ngân hàng khi cho vay là hoàn toàn hợp lý. Vì thế, muốn tiếp cận tín dụng trước hết doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời Chính phủ phải có hỗ trợ, mà trong đó cần tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng.

Ở góc nhìn khác, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, những chỉ số về sản xuất công nghiệp các tháng đầu năm chưa nói lên được tín dụng có đi đúng hướng hay không. Theo ông Lực, cơ cấu tín dụng vẫn bảo đảm không vào chứng khoán, bất động sản, dự án BOT nhiều, vẫn vào sản xuất, kinh doanh là chủ yếu. Đối với tín dụng cho sản xuất công nghiệp thì phải có độ trễ mới phát huy hiệu quả, vì doanh nghiệp còn phải cần thời gian đưa vốn vào mua sắm thiết bị, phục vụ sản xuất.

Chuyên đề