Vốn hóa nhiều công ty chứng khoán vượt mốc nghìn tỷ

Cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán đã liên tục phá đỉnh trong nửa đầu năm nhờ cộng hưởng từ thị trường và kỳ vọng kết quả hoạt động.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 7 tháng đầu năm với sắc thái tích cực. Chỉ số VN-Index của sàn HSX đã tăng gần 17% so với đầu năm, mức tăng thậm chí còn lớn hơn thị trường trong cả năm 2016. 

Cộng hưởng từ đà tăng chung của thị trường và những thông tin thuận lợi, cổ phiếu nhiều nhóm ngành đã liên tục bứt phá. Trong đó, nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán dù có phần "lặng lẽ" nhưng cũng đạt mức tăng ấn tượng.

Không có những phiên tăng nóng như nhóm penny - cổ phiếu vốn hóa thấp hay trở thành tâm điểm như nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng và bất động sản, những cổ phiếu của các công ty chứng khoán với biên độ chỉ vài phần trăm mỗi phiên nhưng duy trì đà tăng đều và ổn định. Thị giá cổ phiếu của không ít công ty, nhờ vậy đã tăng vài chục phần trăm, thậm chí gấp đôi, gấp ba lần chỉ trong nửa đầu năm 2017.

Nhờ đà tăng mạnh, vốn hóa nhiều công ty chứng khoán đã tăng thêm cả nghìn tỷ đồng chỉ sau nửa năm. Chỉ tính riêng nhóm 10 công ty đứng đầu thị trường, vốn hóa của công ty thấp nhất đã đạt hơn 1.150 tỷ đồng.

Cổ phiếu SSI của Công ty chứng khoán Sài Gòn - doanh nghiệp có vốn hóa đứng đầu thị trường với gần 13.000 tỷ đồng, đã tăng 36% kể từ đầu năm. Đối thủ bám đuổi sát nhất với SSI trên bảng xếp hạng thị phần là Công ty chứng khoán TP HCM. Cổ phiếu HCM của công ty này cũng tăng 44% từ mức hơn 27.000 đồng lên 44.400 đồng.

Cổ phiếu VSI của Công ty chứng khoán Bản Việt mới chào sàn gần đây, cũng tăng hơn 5% lên mức 61.000 đồng, và trở thành cổ phiếu của công ty chứng khoán có thị giá cao nhất.

Ở nhóm có thị giá thấp, SHS, MBS, AGR hay CTS thuộc nhóm bứt phá mạnh nhất với mức tăng tính bằng lần chỉ sau 7 tháng đầu năm. Đứng đầu là SHS của Công ty chứng khoán Sài Gòn Hà Nội, cổ phiếu này đã tăng gần gấp 4 lần từ cuối năm 2016, thị giá cổ phiếu hiện tại đang giao dịch ở ngưỡng 16.900 đồng. 

MBS, VDS hay CTS đều tăng trên 100% sau những tháng đầu năm và vượt mệnh giá.

Vốn hóa nhiều công ty chứng khoán vượt mốc nghìn tỷ ảnh 1

Theo các chuyên gia, chứng khoán là ngành sẽ được hưởng lợi kép từ sự bứt phá của thị trường. Ngoài thị giá cổ phiếu cộng hưởng với xu thế chung, các công ty chứng khoán cũng được kỳ vọng sẽ đạt kết quả tăng trưởng cao khi hoạt động kinh doanh gắn chặt với xu hướng vận động của thị trường.

Đầu tiên là môi giới - lĩnh vực cốt lõi của nhiều công ty chứng khoán lớn. Nhờ thị trường thuận lợi trong những tháng đầu năm, doanh thu môi giới đều tăng mạnh. Theo ước tính, lượng giao dịch bình quân toàn thị trường hiện đạt gần 200 triệu USD mỗi phiên, với mức phí từ 0,15 đến 0,3%, doanh thu phí môi giới toàn thị trường mỗi ngày đạt 300.000 - 600.000 USD.

Không chỉ yếu tố thanh khoản thị trường, doanh thu môi giới còn được hỗ trợ khi nhiều nhà đầu tư sau thời gian dài "đóng bảng" cũng quyết định trở lại nhờ VN-Index đã lên mức cao nhất trong nhiều năm gần đây.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bản Việt, sức bật của thị trường hiện tại khác biệt rất lớn so với thời kỳ bong bóng năm 2007 - 2008, giúp nhà đầu tư có niềm tin hơn vào thị trường. Dẫn chứng cụ thể nhất là những phiên tăng điểm liên tục dù thị trường tiệm cận những ngưỡng kháng cự cứng.

Với những công ty có doanh thu đặt nặng vào tư vấn, đà tăng của thị trường giúp năm 2017 là thời điểm "vàng" cho nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn, những thương vụ IPO hay niêm yết liên tục được thực hiện từ đầu năm là minh chứng rõ ràng nhất. Petrolimex, Vietjet, Vietnam Airlines, Masan Consumer là những tên tuổi lớn góp mặt trong nửa đầu năm, còn cuối năm triển vọng được đặt vào VPBank, PV Oil, Techombank hay Lọc Dầu Bình Sơn.

Ngoài ra, một trong những yếu tố có tác động lớn đến kỳ vọng vào hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán là nhờ Thông tư 334. Thay vì cách hạch toán lợi nhuận như trước chỉ khi tất toán danh mục, các khoản đầu tư tự doanh sẽ được đánh giá lại theo giá trị hợp lý và được hạch toán vào lợi nhuận sau thuế dù chưa được bán ra.

Theo đó, khoản đầu tư của các công ty chứng khoán sẽ được phân loại thành tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Cả hai khoản đầu tư này đều được đánh giá theo giá trị hợp lý, trong đó riêng chênh lệch của FVTPL sẽ được hạch toán trên báo cáo kết quả kinh doanh của kỳ đánh giá.

Như trường hợp của SSI, lũy kế 6 tháng đầu năm công ty ghi nhận khoản doanh thu gần 1.300 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế đạt gần 735 tỷ, tăng 28% cùng kỳ năm trước và hoàn thành gần 70% kế hoạch.

Trong đó, hầu hết các hoạt động kinh doanh trong cơ cấu doanh thu của Công ty đều có sự tăng trưởng khá ấn tượng. Doanh thu môi giới tăng gấp đôi đạt 186 tỷ đồng, doanh thu tự doanh đạt hơn 300 tỷ, lãi từ tài sản tài chính thông qua lãi lỗ gần 200 tỷ...

Chuyên đề