Vinaconex 7 loay hoay tìm hướng đi

(BĐT) - Bất chấp thị giá cổ phiếu Công ty CP Vinaconex 7 (mã chứng khoán VC7) đã tăng đến 40% so với thời điểm đầu năm 2017, ngày 10/3/2017, Chủ tịch HĐQT  Công ty Nguyễn Trọng Tấn tiếp tục đăng ký chào mua 150.000 cổ phiếu trước thềm ĐHĐCĐ thường niên. Nếu thực hiện thành công, ông Nguyễn Trọng Tấn sẽ nâng mức sở hữu lên 6,09%.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Hoạt động xây lắp tiếp tục thua lỗ

Thay vì tập trung tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản, nâng cao năng lực xây lắp nhằm tối đa hóa lợi ích cho cổ đông, Ban điều hành Công ty lại tập trung quá nhiều vào việc “trading” cổ phiếu. Hàng loạt thông tin về việc mua/bán cổ phiếu VC7 với số lượng lớn được công bố liên tục trong suốt thời gian qua.

Hoạt động cốt lõi của Vinaconex 7 là thi công xây lắp các công trình dân dụng, thế nhưng trong 4 năm gần đây mảng hoạt động này khá mờ nhạt và liên tục thua lỗ (mức lỗ ghi nhận trong năm 2015 là 37 tỷ, năm 2016 là 17 tỷ đồng). Theo giải trình của ban lãnh đạo, chi phí xây lắp tăng đột biến trong 2015, 2016 là do Công ty thực hiện hạch toán các khoản chi phí của giai đoạn khó khăn 2013 - 2014 khiến cho hoạt động xây lắp ghi nhận khoản lỗ lũy kế 54 tỷ đồng. Điều này hơi trái ngược với thực tế đang diễn ra khi khá nhiều doanh nghiệp xây lắp thể hiện sự tăng trưởng ấn tượng và nhiều công ty đều ghi nhận kết quả kinh doanh lớn trong hai năm gần đây. 

Không có dự án gối đầu

Theo báo cáo thường niên, Chung cư 1A, 2A tại 136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đều đã bàn giao cho khách hàng cuối năm 2015. Tính đến thời điểm hiện tại, 2 chung cư trên đã bán gần hết và thu tiền 517 căn hộ trên tổng số 550 căn hộ. Đồng thời, doanh thu lũy kế được ghi nhận trong 3 năm 2014 - 2016 là 691,22 tỷ đồng (chiếm 94% doanh thu bán hàng dự kiến).

Mặc dù doanh thu năm 2016 chỉ đạt 291,22 tỷ đồng, sụt giảm 23% so với năm 2015, song nhờ đạt tỷ suất sinh lợi cao trong hoạt động kinh doanh bất động sản đã giúp giá vốn hàng bán của Vinaconex 7 cải thiện mạnh (tỷ trọng giá vốn/doanh thu chỉ còn 79%, thấp hơn rất nhiều so với bình quân 92% giai đoạn 2013 - 2015). Bên cạnh đó, khoản tiền gửi 217 tỷ đồng kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 5,8% tại BIDV Chi nhánh Thạch Thất cũng đem lại hơn 10 tỷ đồng lợi nhuận tài chính cho Vinaconex 7 trong năm 2016. Qua đó đã giúp cho lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 16,55 tỷ đồng, tăng 2,31 lần so với 2015 và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Sở hữu lượng tiền mặt khá lớn so với quy mô doanh nghiệp thế nhưng Ban lãnh đạo Vinaconex 7 vẫn đang loay hoay tìm hướng đi để duy trì sự phát triển của Công ty. Không hề có dự án phát triển bất động sản nào để gối đầu, năng lực đấu thầu giảm khiến cho hoạt động xây lắp chỉ duy trì ở mức cầm chừng. Bên cạnh đó, động thái mua/bán liên tục cổ phiếu trong suốt năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 cùng với sự gia tăng mạnh trong khoản chi phí hoạt động đã khiến cho nhiều cổ đông băn khoăn. 

Kỳ vọng luồng gió mới

Ngày 21/3/2017, Vinaconex 7 sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017. Theo như tài liệu công bố, việc ứng cử/đề cử HĐQT và Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 2017 - 2021 sẽ là vấn đề quan trọng quyết định đến định hướng phát triển sắp tới của doanh nghiệp.

Dựa trên nguồn tin của phóng viên, do không thỏa mãn với những giải trình của Ban lãnh đạo về hoạt động xây lắp, sự gia tăng đột biến của các khoản chi phí doanh nghiệp, những khoản vay cá nhân trong khi vẫn duy trì lượng tiền gửi lớn, một nhóm nhà đầu tư cá nhân đã tập hợp lại. Nhóm cổ đông này sẽ cùng với các cổ đông lớn khác, nhóm cổ đông là Ban lãnh đạo Công ty… ứng cử vào các vị trí quan trọng trong Ban lãnh đạo và Ban kiểm soát trong nhiệm kỳ mới với vai trò là thành viên độc lập giám sát các hoạt động của Công ty.         

Chuyên đề