VietinBank cam kết vốn khủng cho dự án BOT tai tiếng

(BĐT) - Sau gần 2 năm bế tắc, ngày hôm qua (31/5), Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã nhận được sự gật đầu của VietinBank với khoản tín dụng lên đến hơn 10 nghìn tỷ đồng. 
VietinBank đã chạm ngưỡng cho phép sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Ảnh: Lê Tiên
VietinBank đã chạm ngưỡng cho phép sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Ảnh: Lê Tiên

Đây là một chuyển biến tích cực đối với siêu dự án này, tuy nhiên việc VietinBank cấp tín dụng khủng khi sắp chạm trần tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có thể khiến nhiều người băn khoăn.

Những cái tên mới tham gia vào siêu dự án

Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn gồm xây dựng 64 km đường cao tốc quy mô 4 làn xe (Km45+100 - Km108+500) và tăng cường 105 km mặt đường Quốc lộ 1 cũ đoạn Km1+800 - Km106+500, có tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 12 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch, Dự án sẽ phải hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, do nguồn vốn tín dụng chưa được khơi thông, vốn chủ sở hữu đóng chưa đủ nên tính đến cuối tháng 12/2016, nhà đầu tư mới chỉ triển khai thi công được một khối lượng nhỏ hạng mục nâng cấp Quốc lộ 1.

Sau nhiều lần thay đổi, các thành viên của Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (doanh nghiệp dự án) hiện nay gồm: Công ty CP Đầu tư UDIC, Công ty CP Đầu tư 468, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà, Công ty CP Giao thông xây dựng số 1.

Theo nhiều nguồn tin, trong thời gian Bộ GTVT ra “tối hậu thư” dự kiến chấm dứt hợp đồng Dự án, Geleximco từng bày tỏ ý định tham gia vào dự án này. Tuy nhiên, một cán bộ của Ban QLDA An toàn giao thông thuộc Bộ GTVT cho biết, các kênh tiếp xúc của Geleximco đều là với nhà đầu tư, chưa có đề xuất hay làm việc với Bộ GTVT.

Đến nay, một trong những chuyển biến có thể nói sẽ tạo “bước ngoặt” cho Dự án là sự tham gia của một số nhà đầu tư mới. Một cán bộ của Ban QLDA An toàn giao thông cho biết, các thành viên trong liên danh nhà đầu tư vẫn giữ nguyên, những nhà đầu tư mới sẽ tham gia vào siêu dự án này với tư cách là cổ đông chiến lược của UDIC gồm: Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch; Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn; Công ty CP Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân.

Đến thời điểm này, nhà đầu tư đã thực hiện cơ bản các cam kết về nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng, góp vốn chủ sở hữu và ký hợp đồng tín dụng cho Dự án.

Về tiến độ triển khai, Ban QLDA An toàn giao thông cho biết, phấn đấu giải phóng xong toàn bộ mặt bằng trước 31/12/2017; bắt đầu thi công hợp phần cao tốc vào đầu tháng 6/2017 và thi công xong toàn bộ tuyến cao tốc vào cuối năm 2019. 

Tiềm ẩn rủi ro sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Theo thông tin từ VietinBank, ngày 31/5/2017, ngân hàng này và Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã ký kết Hợp đồng tín dụng tài trợ vốn Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với tổng trị giá tài trợ là 10.169 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ hơn nửa tháng sau khi có sự tham gia của các cổ đông chiến lược mới trong thành viên đứng đầu liên danh UDIC, VietinBank đã đồng ý cấp tín dụng cho Dự án.

Một số cổ đông mới của UDIC thực sự không phải là cái tên xa lạ với VietinBank. Ông Hồ Minh Hoàng là một trong những cổ đông sáng lập của Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch, nắm giữ 77% vốn cổ phần. 3 trong số 4 cổ đông sáng lập còn lại của Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch (Võ Thụy Linh, Đào Văn Ngọc, Phạm Đình Thuận) là 3 cổ đông sáng lập của Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch. Giữa hai thành viên mới tham gia vào UDIC rõ ràng có mối quan hệ khá mật thiết. Theo Công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mới nhất (ngày 12/5/2017) của Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, ông Hồ Minh Hoàng là một cái tên mới bổ sung vào danh sách người đại diện theo pháp luật của Công ty, với chức danh Chủ tịch HĐQT. Ông Hồ Minh Hoàng đồng thời là Tổng giám đốc Công ty CP Đèo Cả - đối tác lớn của VietinBank.

Trước đây, Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã nỗ lực đàm phán để có được hợp đồng tín dụng với VietinBank. Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2017, nhà đầu tư vẫn chưa ký được hợp đồng tín dụng cho Dự án và đây là vướng mắc lớn của Dự án vào thời điểm đó.

Có thể vì quan hệ cũ với các cổ đông chiến lược mới của UDIC, hay vì một chiến lược, đánh giá khác mà VietinBank đã quyết định đồng ý cấp khoản tín dụng  rất lớn cho dự án BOT này, dù trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng phải thận trọng, thắt chặt hơn cho vay dự án BOT. Đồng thời, sau ngày 31/12/2016, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn là 50%, từ ngày 1/1/2018 chỉ là 40%.

Theo một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của NHNN, hiện nay tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tại VietinBank đã là 36%. NHNN cảnh báo, với lộ trình đến 1/1/2018 giảm tỷ lệ này xuống 40% thì VietinBank đã chạm ngưỡng cho phép theo quy định. 

Cũng theo số liệu từ báo cáo này, tính đến ngày 31/12/2016, tổng cam kết cấp tín dụng của VietinBank cho các dự án BOT, BT giao thông là 65.367 tỷ đồng, dư nợ là 30.301 tỷ đồng. Khoản tín dụng hơn 10 nghìn tỷ đồng cam kết tài trợ cho Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn ký ngày 31/5 sẽ tác động thế nào đến hạn mức cho vay trung, dài hạn của VietinBank có lẽ là điều khiến dư luận băn khoăn, vì những rủi ro từ cho vay BOT là rất lớn!

Chuyên đề