Vàng có “lấp lánh” trở lại?

(BĐT) - Mấy ngày qua, thị trường tài chính toàn cầu chao đảo sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Vương quốc Anh liên quan đến việc quốc gia này rời khỏi EU. Thị trường vàng theo đó cũng “dậy sóng”, giá vàng trong nước đã có thời điểm áp sát 36 triệu đồng/lượng, mức tăng cao nhất trong 10 tháng trở lại đây. Liệu vàng có hấp dẫn trở lại và câu chuyện huy động vàng trong dân có tiếp tục là đề tài nóng?
Huy động vàng trong dân không hề đơn giản. Ảnh: Nhã Chi
Huy động vàng trong dân không hề đơn giản. Ảnh: Nhã Chi

Vàng có hấp dẫn trở lại?

Cuối tuần qua, thị trường vàng trong nước đã có một “đợt sóng” mới sau nhiều ngày trầm lắng. Dư chấn của Brexit đã khiến thị trường vàng thế giới chao đảo. Đáng chú ý, trong ngày 24/6, giá kim loại quý này trong nước đã tăng tới gần 2 triệu đồng/lượng, có thời điểm tiến sát mốc 36 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 8/2015. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh vàng, thị trường không có nhiều biến động, thậm chí có thời điểm giao dịch chững lại khi giá vàng biến động mạnh.

Việc giá vàng tăng thẳng đứng, chênh lệch trong ngày lên tới gần 2 triệu đồng mỗi lượng là chuyện hiếm có đối với thị trường kim loại quý này vốn “lặng sóng” bấy lâu nay. Và liệu điều này có khiến vàng hấp dẫn trở lại đang là câu hỏi lớn.

Theo dự đoán của các chuyên gia, giá vàng có thể sẽ chịu áp lực tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, không nên mạo hiểm “chơi” vàng lúc này bởi những chính sách mà nhà điều hành đang áp dụng sẽ gây bất lợi cho người cầm vàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng dự báo, giá vàng sẽ còn tiếp tục xu hướng đi lên trong thời gian tới, bởi trong bối cảnh thế giới hiện tại thì vàng vẫn đang đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, người “chơi” vàng không nên tham dự đầu cơ vàng một cách đại trà, chỉ nên mua vàng với số lượng hợp lý, vẫn như lời khuyên muôn thuở "trứng nên để nhiều giỏ".

Nhiều chuyên gia nhận định, thành công nổi bật trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong 5 năm qua là đã gỡ được “kíp nổ” vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng. Và Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng được xem là bước tiến quan trọng trong lộ trình chống vàng hóa nền kinh tế.

Theo PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng thuộc Đại học Kinh tế quốc dân, Nghị định 24 đã tạo lập khuôn khổ pháp lý mới nhằm tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng. Những thay đổi về mặt pháp lý đã đáp ứng được sự thay đổi của thực tiễn, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế tác động bất lợi của hoạt động kinh doanh vàng đến chính sách tiền tệ, tỷ giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.  Giới kinh doanh vàng cũng cho hay, khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, thị trường vàng bắt đầu ảm đạm, người dân không còn “mặn mà” với vàng miếng. Chính sách của Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân đầu cơ cũng như mua bán vàng. Chính vì vậy sức hút của vàng với người dân không cao.

Huy động vàng trong dân bằng cách nào?

Tâm lý nắm giữ vàng của người dân, đặc biệt là ở nông thôn, rất khó thay đổi, đây là vấn đề tập quán. Lãi suất cao hay thấp, giá vàng lên hay xuống người ta vẫn tích, theo thói quen, tập quán.
Vốn im ắng suốt một thời gian dài, thị trường vàng gần đây lại được “xới” lên khi Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng, hiện còn khoảng 500 tấn vàng đang “ngủ quên” trong dân và nhà điều hành cần “đánh thức” nguồn lực này bằng việc thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, song nó đặt ra một vấn đề là làm thế nào để “kéo” khối lượng vàng lớn đang nằm yên kia vào phục vụ sản xuất, kinh doanh?

Giới chuyên gia nhận định, huy động được nguồn lực vàng đang “ngủ quên” này là rất tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên đây không phải bài toán dễ giải, bởi khó có thể thay đổi một thói quen từ lâu của người dân.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính thuộc Học viện Tài chính - Bộ Tài chính cho rằng, huy động vàng rất khó do phía người cầm vàng chưa chắc đã thích. Tâm lý nắm giữ vàng của người dân, đặc biệt là ở nông thôn, rất khó thay đổi, đây là vấn đề tập quán. Lãi suất cao hay thấp, giá vàng lên hay xuống người ta vẫn tích, theo thói quen, tập quán. Và để thay đổi điều này không dễ.

“Hơn nữa, nếu người dân quan tâm đến vàng theo diễn biến hàng ngày thì người ta đã chuyển vàng sang kênh khác như bán vàng gửi tiết kiệm vào ngân hàng. Bởi lâu nay vàng không sinh lời. Người dân cầm vàng hầu như ít quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, họ coi đó như tài sản để dành. Thực tế người cầm vàng trong mấy năm trở lại đây không được lợi, thậm chí là lỗ, nhưng nhiều người vẫn giữ bởi động cơ của họ là nắm giữ cho dài hạn” - ông Nguyễn Đức Độ nói.

Chuyên đề