Vẫn ì ạch thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

(BĐT) - Mặc dù có tên trong danh sách thoái vốn song nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn vin vào các lý do khách quan để trì hoãn, thậm chí xin lùi thời hạn thực hiện. Kết quả là, mới có khoảng 10% DN thực hiện được chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho chặng đường 2017 - 2018.
Ảnh minh họa:Internet
Ảnh minh họa:Internet

90% doanh nghiệp chưa thực hiện

Tại buổi làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cuối tháng 9 vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị tập đoàn này thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng về thoái vốn.

Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2018, cổ đông nhà nước tại Petrolimex phải thoái 24,86% trong tổng số gần 76% số cổ phần nắm giữ tại tập đoàn này.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT của Petrolimex cho biết: “Tập đoàn đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương để xem xét báo cáo Thủ tướng về phương án thoái vốn với đề nghị cấp có thẩm quyền đồng ý nới giới hạn sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài lên 49%, thay cho mức 20% như hiện nay, đồng thời chậm thoái vốn đến 2019 - 2020, thay vì 2018 như kế hoạch”.

Trả lời kiến nghị này, Văn phòng Chính phủ nêu rõ, hiện chưa có quyết định nào thay thế các quyết định của Thủ tướng liên quan tới việc thoái vốn tại Petrolimex, và đề nghị Tập đoàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu về việc xin hoãn thoái vốn của Petrolimex, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính nói: “Về việc chậm thoái vốn của Petrolimex, Bộ Công Thương với vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu cần làm rõ nguyên nhân chậm, kiến nghị giải pháp và kế hoạch thoái vốn của đơn vị này trong thời gian tới báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Chúng tôi đang chờ ý kiến từ Bộ Công Thương”.

Không riêng Petrolimex trì hoãn thực hiện chủ trương này, thực tế có 285 trong tổng số 316 DN phải thoái vốn trong hai năm 2017 - 2018 vẫn chưa hoàn tất công việc này. Như vậy, việc triển khai thoái vốn theo Quyết định 1232/QĐ-TTg chắc chắn không đạt kế hoạch. 

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu

Về nguyên nhân của tình trạng chậm thoái vốn, ông Đặng Quyết Tiến nhận định: “Đúng là tiến độ thoái vốn diễn ra khá chậm so với yêu cầu của Chính phủ do một số nguyên nhân. Một là, việc xử lý và sắp xếp đất đai khi thoái vốn cần được thực hiện theo quy định mới với các nội dung chặt chẽ và ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn. Trong khi trước đó, việc xử lý đất đai có phần dễ dãi hơn. Do đó, nhiều DN vẫn còn chần chừ, xem xét cặn kẽ các quy định trước khi triển khai. Bên cạnh đó, không loại trừ một số trường hợp vin vào việc có quy định mới về đất đai để chậm thoái vốn, song thực tế, các quy định này giúp cho việc xử lý vấn đề đất đai trở nên minh bạch và dễ thực thi hơn. Hai là, cùng với quyết định thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, một số DN sẽ được chuyển chủ sở hữu phần vốn nhà nước về ủy ban này. Do đó, DN có tâm lý chờ đợi sắp xếp xong mới thực hiện thoái vốn. Ba là, vẫn còn tình trạng sợ trách nhiệm và ngại đổi mới nên còn níu kéo DN với tỷ lệ vốn nhà nước lớn”.

Vị cục trưởng này cho biết thêm, kết quả của thoái vốn nói riêng và tái cơ cấu DN nhà nước nói chung sẽ được tổng kết theo năm. Đây cũng là căn cứ để Thủ tướng Chính phủ đưa ra những đánh giá kết quả, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đại diện chủ sở hữu và lãnh đạo DN.

Để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Cục Tài chính doanh nghiệp đã đề ra một số giải pháp, chú trọng nâng cao tính quyết liệt của việc thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội.

Mặt khác, đơn vị này cũng kiến nghị cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại DN nhà nước, như: Luật DN; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phá sản…

Bên cạnh đó, Cục Tài chính doanh nghiệp yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trước ngày 31/12/2018 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm. Đồng thời, gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của DN nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí, bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DN nhà nước.      

Chuyên đề