Ứng hơn 2.000 tỷ đồng để chống hạn, mặn

(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý ứng trước 2.040 tỷ đồng từ nguồn thu bán cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng để hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương thực hiện các dự án cấp bách khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016.
Các dự án chống hạn, xâm nhập mặn quy mô nhỏ sẽ được ưu tiên hỗ trợ. Ảnh: Lê Tiên
Các dự án chống hạn, xâm nhập mặn quy mô nhỏ sẽ được ưu tiên hỗ trợ. Ảnh: Lê Tiên

Lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thông báo cho Bộ NN&PTNT và các địa phương liên quan về tổng mức vốn, danh mục công trình dự án được hỗ trợ. Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tính chính xác các thông tin của các dự án được hỗ trợ vốn; đồng thời, hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục đầu tư liên quan đối với dự án cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án sử dụng nguồn thu từ bán cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 vào thời điểm phù hợp, trong đó bố trí 2.040 tỷ đồng để hoàn trả số vốn đã được ứng trước nêu trên.

Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được hỗ trợ vốn có trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khẩn cấp theo đúng quy định; đồng thời, chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số vốn được hỗ trợ, bảo đảm đúng mục đích và hiệu quả đầu tư. Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án khẩn cấp thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu.

“Sốt ruột” nhưng vẫn phải lấy ý kiến

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án sử dụng nguồn thu từ bán cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 vào thời điểm phù hợp, trong đó bố trí 2.040 tỷ đồng để hoàn trả số vốn đã được ứng trước
Những tháng đầu năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra gay gắt, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là các vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là những vùng chưa có công trình thủy lợi hoặc chỉ có công trình thủy lợi nhỏ, chưa chủ động được nguồn nước.

Theo Bộ KH&ĐT, ngày 28/6/2016, Bộ đã báo cáo Thủ tướng bộ nguyên tắc, tiêu chí hướng dẫn địa phương đăng ký danh mục dự án khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Trên cơ sở đó, các địa phương đã rà soát, lựa chọn các danh mục dự án đề nghị Trung ương hỗ trợ để đầu tư xây dựng công trình cấp bách nhằm phòng, chống thiên tai và khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Tiêu chí đưa ra của Bộ KH&ĐT là dự án nằm trong quy hoạch, quy mô nhỏ, nếu bố trí đủ vốn ngay đầu quý III thì sẽ hoàn thành năm 2016. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã tổng hợp, ghi rõ từng dự án, không chạy chọt xin cho và phải làm ngay.

Tuy nhiên, trong cuộc họp lấy ý kiến các bộ ngày 20/7, Bộ NN&PTNT đề nghị bổ sung vốn cho một số dự án do bộ này làm chủ quản đầu tư. Theo Bộ KH&ĐT, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là mục tiêu hỗ trợ đợt này tập trung vào các dự án quy mô nhỏ, hoàn thành ngay trong năm 2016 cho các địa phương. Trong khi danh mục dự án của Bộ NN&PTNT đề nghị hầu hết là các dự án có quy mô trên 80 tỷ đồng. Tuy rất “sốt ruột” muốn sớm bố trí vốn cho các dự án cấp bách, khắc phục hậu quả hạn, mặn, nhưng do còn ý kiến khác nhau nên Bộ KH&ĐT phải lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan về đề nghị của Bộ NN&PTNT. Ngày 26/7/2016, Bộ KH&ĐT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Chính phủ tại Bộ KH&ĐT cuối tháng 8 vừa qua, đại diện Vụ Tổng hợp của Văn phòng Chính phủ cho biết, do danh mục dự án của Bộ KH&ĐT và Bộ NN&PTNT khác nhau, không khớp về mục tiêu, tiêu chí nên ngày 10/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì họp các bộ để thống nhất lại. Đến đầu tháng 9, Bộ KH&ĐT đã có báo cáo cuối cùng gửi Thủ tướng.

Chuyên đề